Khi mẹ em lên xã nơi gia đình em cư trú để làm thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu đất thì xã nói nhất định phải có đầy đủ chữ kí của 7 người con kia thì mẹ em mới được giải quyết ạ. Tất cả mọi người đều đồng ý cho mẹ em. Nhưng chỉ thiếu chữ kí của 2 gì kia thôi ạ. Thế thì mẹ em cần phải làm gì để có thể chuyển được quyền sở hữu đất ạ ?

Em xin cảm ơn.

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý

Bộ luật dân sự năm 2015

2. Luật sư tư vấn

Căn cứ theo quy định tại điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì trong trường hợp ông bà của bạn mất không để lại di chúc thì phần di sản của ông, bà sẽ được chia theo quy định của pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Cụ thể:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo quy định trên thì những người được hưởng thừa kế đối với di sản của ông, bà bạn bao gồm 8 người con của ông, bà, mỗi người được hưởng một phần bằng nhau ( mỗi người được hưởng 1/8 di sản). Trong trường hợp này, nếu mẹ bạn muốn được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải được sự đồng ý của 7 người đồng thừa kế còn lại.

>&gt Xem thêm:  Mẫu di chúc thừa kế tài sản, đất đai mới nhất năm 2020

Đối với trường hợp của mẹ bạn vì có 2 dì sang Trung Quốc được 10 năm và hiện nay gia đình không thể liên lạc được thì gia đình bạn có thể làm thủ tục yêu cầu Tòa án nhân dân quận, huyện nơi gia đình bạn cư trú để yêu cầu tuyên bố mất tích đối với 2 người dì này. Tuy nhiên, việc tuyên bố mất tích phải đáp ứng điều kiện quy định tại điều 68 Bộ luật dân sự 2015.

Điều 68. Tuyên bố mất tích

1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

2. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

3. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Nếu tòa án tuyên bố 2 dì của bạn bị mất tích thì những anh em khác của mẹ bạn có thể ra Phòng công chứng, văn phòng công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã, phường nơi có đất của ông bà bạn để làm thủ tục phân chia di sản thừa kế. Theo đó, những người đồng thừa kế có thể thỏa thuận với nhau về việc tặng cho phần di sản của họ cho mẹ bạn ( đối với 5 người anh, em hiện đang có mặt ) và thỏa thuận cho phép mẹ bạn được phép quản lý phần tài sản của 2 dì bị tuyên bố mất tích. Việc quản lý tài sản chỉ có ý nghĩa là mẹ bạn thay mặt 2 dì bảo quản, duy trì tài sản chứ không có quyền sở hữu đối với phần tài sản là phần đất này. Điều này được ghi nhận tại điều 69 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 69. Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích

Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này.

Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: đẹp không tưởng để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Đất đai – Công ty luật Minh Khuê

>&gt Xem thêm:  Quy định mới về cấp sổ đỏ và hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở