Mục lục bài viết
1. Tư vấn thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án?
Thưa luật sư, gia đình tôi đang gặp phải vấn đề về tranh chấp đất có dẫn tới xô xát. Ngày 13/3/2012 gia đình nhà hàng xóm có cho xây sang phần đất nhà tôi, bố tôi không cho xây nhưng họ không chịu bố tôi đành gọi chính quyền xã tới họ lập biên bản yêu cầu nhà hàng xóm ngừng xây dựng nhưng họ thách thức không chịu. Thấy vậy bố tôi liền hất viên gạch mới xây xuống liền bị người nhà họ dùng xẻng lao vào bụng.
Em trai tôi lúc này từ trong nhà chạy ra nói liền bị một người nhà họ ôm chặt và bị người tiếp theo nhà họ lấy xẻng đập vào đầu. Bố tôi lúc bị thúc vào bụng đã đi vào nhà dưới ngồi, không ngờ em trai tôi bị đánh. Lúc đó, bố tôi nghe thấy liền cầm gậy đập dùng đập cải cúc chạy ra không biết có đánh vào ai nhà họ không? Sau đó thì có 1 số đồng chí công an viên có chạy vào can vì tất cả xô xát đều diễn ra trong sân nhà tôi (người nhà họ nhảy vào sân nhà tôi đánh và phang vào bố tôi ở phần giáp ranh may có dây thép phơi cản vướng nên bố tôi mới tránh được.
Công an huyện có xuống lấy lời khai. Sau khi mọi người can ngăn xong em trai tôi được mang lên bệnh viện Ô cách Đức Giang cấp cứu, với mức giám định rách 6 cm ở đầu và chỉ có 4%. Bố tôi được chiếu chụp qua không sao nên bố tôi về không làm đơn kiện, không bắt bồi thường không làm giám định. Nhưng gia đình bên kia tất cả những người tham gia đều lấy giám định thương tật 12%, 08%, 07% và kiện bắt nhà tôi đền bù gần 100 triệu.
Ngày 04/04/2013 khi nhận được bản cáo trạng của Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm thì nhà tôi mới ngã ngửa tất cả nhà họ đều không nhận đánh người nhà tôi, một mực kêu nhà tôi đánh. Vì bố tôi thành thật khai đúng nên trong cáo trạng viết bố tôi, và em trai đánh mấy người nhà họ thương tích như vậy. Với trường hợp bố tôi đã khai đánh, và lại không kiện nhà họ, cũng không hỏi bồi thường nên Tòa mới ra quyết định như vậy. Giờ gia đình tôi rất bức xúc vì vấn đề này phải giải quyết thế nào? Khi không thể chấp nhận được bản cáo trạng như vậy.
Anh chị em tôi muốn lật lại vụ án muốn điều tra và giám định lại toàn bộ có được không? Mong sớm nhận được phản hồi của luật sư, xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: đẹp không tưởng
Trả lời:
Công ty Luật Minh Khuê đã nhận được câu hỏi của bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi đến công ty. Về vấn đề của bạn công ty xin giải đáp như sau:
Vấn đề bạn nêu được điều chỉnh bởi Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 tại Điều 331 và Điều 333, Bộ luật dân sự năm 2015 tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 tại Điều 134. Cụ thể như sau:
Vì trường hợp này của gia đình bạn là chưa đồng ý với bản cáo trạng mà bên Viên Kiểm sát đưa ra, nhưng bản cáo trạng này bố bạn, em trai bạn khai hoàn toàn đúng sự thật nên không thể khai lại, khi đó, gia đình bạn có quyền yêu cầu Tòa án lấy lời khai, hỏi các bên để giải quyết. Rủi ro xấu nhất là đã có Bản án của Tòa án nhưng gia đình bạn không chấp nhận với Bản án mà Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm đã tuyên thì có quyền kháng cáo lên Tòa án cấp trên là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội theo thủ tục phúc thẩm.
– Trường hợp kháng cáo: Theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người bị hại (bố bạn và em trai bạn, nếu em trai bạn chưa thành niên thì sẽ là người đại diện theo pháp luật của em có thể là bố bạn hoặc mẹ bạn) có quyền kháng cáo.
Tuy nhiên, việc kháng cáo phải đúng theo thời hạn tại Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Hành vi gây thương tích của gia đình hàng xóm với em trai bạn (mức giám định rách 6 cm ở đầu với tỉ lệ thương tích là 4%) có dấu hiệu cấu thành tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 khi những người này có dùng hung khí nguy hiểm là cái xẻng mà gia đình bên kia dùng để phản công lại bố và em trai bạn trong quá trình xô xát.
Về việc gia đình hàng xóm xây nhà lấn sang phần đất nhà bạn: Điều 174 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định khi xây dựng công trình, chủ sở hữu công trình phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh. Việc nhà bên xây nhà lấn sang nhà bạn là không đúng với quy định của pháp luật, đồng thời xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình bạn.
>> Tham khảo dịch vụ: Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai
2. Tranh chấp đất đai của các thành viên trong gia đình?
Xin chào công ty Luật Minh Khuê, tôi có vướng mắc mong quý công ty tư vấn giúp: Sau khi các cô tôi gửi đơn khởi kiện mẹ tôi đòi chia đất đai. Hòa giải ở xã 2 lần không thành (do mẹ tôi không gặp được cô tôi để hòa giải). Ít lâu sau họ cho người ở huyện vào đo đạc lại mảnh đất mà ba tôi đứng tên. Sau khi đo đạc xong, khoảng 1 tuần sau họ đưa giấy mời và nói mẹ tôi phải nộp lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất để họ làm lại. Họ nói nhân viên Tài nguyên môi trường làm giấy chứng nhận cho ba tôi bị sai; người nhân viên ấy nhận lỗi làm sai nên bắt buộc mẹ tôi nộp lại giấy chứng nhận để sửa lại. Mẹ tôi không đồng ý đưa (tại thời điểm đó thì mẹ tôi đang trị bệnh tại nước ngoài).
Vậy xin luật sư cho biết là họ làm như vậy có đúng không? Và nếu không đưa lại Giấy chứng nhận cho họ thì có vi phạm gì không? Và có luật nào cho phép họ làm như vậy không?
Mong sớm nhận được tư vấn, cảm ơn luật sư!
Trả lời:
Căn cứ khoản 1 Điều 106 Luật đất đai năm 2013 quy định về đính chính Giấy chứng nhận đã cấp như sau:
“1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:
a) Có sai sót thông tin về tên gọi, giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận của người đó;
b) Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận.”
Như thông tin bạn cung cấp, sau khi cán bộ địa chính huyện xuống đo đạc xong, khoảng 01 tuần sau, họ đưa giấy mời và nói mẹ bạn phải nộp lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất để họ làm lại. Họ nói nhân viên Tài nguyên môi trường làm giấy chứng nhận cho ba bạn bị sai; người nhân viên ấy nhận lỗi làm sai nên bắt buộc mẹ bạn nộp lại giấy chứng nhận để sửa lại. Mẹ bạn không đồng ý đưa vì tại thời điểm đó thì mẹ bạn đang trị bệnh tại nước ngoài. Theo đó, cán bộ địa chính thay mặt cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu mẹ bạn nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi và chỉ khi thuộc một trong hai trường hợp được nêu tại khoản 1 Điều 106 Luật Đất đai nêu trên. Chính vì vậy, trong trường hợp này, bạn chưa cung cấp rõ thông tin bên cán bộ Phòng Tài nguyên và môi trường nhận lỗi sai là sai nội dung gì? Sai như thế nào? Nên chúng tôi cũng không thể xác định chính xác hành vi của nhân viên Phòng Tài nguyên và môi trường là đúng hay sai? Việc nhân viên địa chính yêu cầu nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ban hành văn bản nào không? Có giấy ủy quyền của chủ thể có thẩm quyền không?
Bạn có thể tham khảo về thủ tục đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Điều 86 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:
– Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính. Trường hợp sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có đơn đề nghị để được đính chính.
– Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót thì thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính.
– Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót; đồng thời chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
– Trường hợp đính chính mà người được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có yêu cầu cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký đất đai trình cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Như vậy, nếu trên thực tế có sự sai sót của cán bộ địa chính thì về nguyên tắc, mẹ bạn có nghĩa vụ nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đính chính lại theo quy định nhưng kèm theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở đây là Văn phòng đăng ký đất đai phải thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính, nêu rõ nội dung, lý do đính chính. Ngược lại, khi không có lý do nào về việc đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mẹ bạn không có nghĩa vụ phải nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lúc này, mẹ bạn hoàn toàn có quyền nộp đơn Khiếu nại tới Ủy ban nhân dân cấp huyện để yêu cầu giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
>> Tham khảo thêm: Tư vấn, hướng dẫn giải quyết tranh chấp đất đai ?
3. Tranh chấp đất đai, bị đình chỉ thi công công trình?
Nhờ quý luật sư tư vấn giúp em với: năm 1994 ông A kiện bà B lấn ranh với diện tích 60m2 (ngang 3m, dài 20m ). Năm 1995 Toà án nhân dân huyện X tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông A, công nhận phần đất đang tranh chấp của bà B, trong bản án cũng nói rõ vị trí thửa đất. Do phần đất đang tranh chấp do bà B quản lý sử dụng nên sau khi có bản án bà B không yêu cầu thi hành án (vì bà cũng không biết, và giữa bà với ông A là anh em ruột). Năm 2016 ông A tiếp tục kiện ông C (là con của bà B đang ở căn nhà nói trên). Cho hỏi: như vậy nếu ông C đưa ra bản án năm 1995 và yêu cầu Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của ông A được không? Hiện ông A đang xây dựng nhà trên phần nền nhà cũ để lại nhưng do ông A kiện nên chính quyền đến đình chỉ thi công như vậy là đúng hay sai? Rất cảm ơn quý luật sư.
Trả lời:
3.1. Ông C có thể sử dụng Bản án năm 1995 để yêu cầu Tòa án bác đơn Khởi kiện của ông A được không?
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện:
“c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.”
Năm 1994, ông A kiện bà B lấn ranh với diện tích 60m2 (ngang 3m, dài 20m ), năm 1995 Toà án nhân dân huyện X tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông A, công nhận phần đất đang tranh chấp của bà B, trong bản án cũng nói rõ vị trí thửa đất. Do phần đất đang tranh chấp do bà B quản lý sử dụng nên sau khi có bản án bà B không yêu cầu thi hành án. Năm 2016 ông A tiếp tục kiện ông C (là con của bà B đang ở căn nhà nói trên).Trong trường hợp này, cần xác định việc ông A tiếp tục kiện ông C có phải kiện vì việc tranh chấp đất đai về lấn ranh giới giữa bà B và ông A trước đây hay khởi kiện một tranh chấp mới?? Do đó, chúng tôi xác định như sau:
– Nếu tranh chấp mà ông A khởi kiện ông C chính là tranh chấp về ranh giới thửa đất trước đây với bà B thì ông C có quyền dùng Bản án của Tòa án năm 1995 để yêu cầu Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo điểm c khoản 1 Điều 192 nêu trên, thậm chí ông C không cần yêu cầu thì Tòa án cũng trả lại đơn khởi kiện của ông A theo quy định của pháp luật.
– Nếu tranh chấp giữa ông A và ông C là một tranh chấp khác thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì ông C không thể dùng Bản án của Tòa án từ năm 1995 để yêu cầu bác đơn khởi kiện của ông A được. Ông C có thể sử dụng Bản án năm 1995 như một bằng chứng, giấy tờ để chứng minh bảo vệ quyền lợi cho ông C khi Bản án này có giá trị chứng minh trong vụ việc tranh chấp giữa ông A và ông C.
3.2. Việc đình chỉ xây dựng của chính quyền địa phương đối với ông A là đúng hay sai?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng năm 2014 thì không có quy định nào quy định về việc “đang khởi kiện” thì không được phép xây dựng trên phần đất mà mình đã được cấp Giấy chứng nhận trước đó. Trừ trường hợp, các đương sự có liên quan tới vụ án dân sự về tranh chấp đất đai đó có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp theo Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới căn cứ vào Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án để ngừng việc xây dựng này của ông A:
“Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.”
Như vậy, mặc dù đang khởi kiện tranh chấp đất đai nhưng nếu không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án thì ông A vẫn có quyền tiếp tục xây dựng trên mảnh đất thuộc quyền sở hữu của mình. Trừ trường hợp hành vi xây dựng của ông A là xây dựng sai quy định của pháp luật thì đương nhiên ông A không được phép tiếp tục xây dựng.
>> Tham khảo ngay: Phương thức giải quyết tranh chấp đất đai nào là hiệu quả nhất ?
4. Tư vấn về tranh chấp đất đai trong gia đình?
Thưa luật sư, bố mẹ tôi có 8 người con và được hưởng tài sản của ông bà nội tôi từ trước năm 1960 gồm: 200 m2 đất thổ cư và một căn nhà cấp 4 trên đất. Năm 1980 mẹ tôi mất, đến năm 1984 bố tôi có lấy bà hai và sau đó có một người con, có mua một căn nhà trên đất 100 m2 cho mẹ con bà hai, nhưng mẹ con bà hai không sử dụng mà vẫn ở chung căn nhà của ông bà tôi để lại.
Chị và các em gái của tôi đã xây dựng gia đình và có tài sản riêng, tôi công tác xa nhà. Năm 2001 bố tôi mất, không để lại di chúc, nay tôi thấy toàn bộ đất đai của gia đình (đất, nhà do ông bà tôi để lại và đất, nhà mua thêm) được lập sổ đỏ đứng tên bà hai vào năm 2003. Vây tôi xin tư vấn: Cách giải quyết và quyền được hưởng về tài sản của các thành vên trong gia đình thế nào cho đúng luật pháp? Xin chân thành cảm ơn!
>> Luật sư tư vấn luật đất đai trực tuyến, gọi: đẹp không tưởng
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc đến Công ty Luật Minh Khuê, căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin được tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, xét việc công nhận được cấp sổ đỏ của bà hai vào năm 2003.
Thời điểm 2003, bà hai đã đứng tên toàn bộ phần đất của gia đình bạn. Vậy phải xác nhận lại trong hồ sơ địa chính có giấy tờ xác nhận thỏa thuận bố bạn cho bà hai đứng tên phần đất này, giấy tờ cam kết đại diện đứng tên trên đất của hai vợ chồng, thỏa thuận nhập tài sản riêng của bố bạn thành tài sản chung từ trước thời điểm bố bạn mất vào năm 2001. Nếu có những giấy tờ này thì có thể xác minh được đây là tài sản chung của bố bạn với bà hai hay là tài sản riêng của bà hai. Trường hợp là tài sản chung thì bạn và anh chị em của bạn được hưởng thừa kế phần tài sản của bố bạn. Căn cứ Luật hôn nhân và gia đình 2014, thì số tài sản của bố bạn và bà hai sẽ chia đôi, bạn có thể yêu cầu Tòa án chia thừa kế tài sản của bố bạn. Ngược lại, nếu đây là tài sản riêng của bà hai thì việc bà hai được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bà hai là hoàn toàn hợp pháp, đúng với quy định của pháp luật.
Thứ hai, xét về thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế.
Tại thời điểm bố bạn mất đang áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 1995, căn cứ theo Điều 648 quy định về thời hiệu thừa kế như sau:
“Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
Như vậy bố bạn mất từ năm 2001, trong thời hạn 10 năm, tức là đến năm 2011 bạn có quyền yêu cầu tòa án giải quyết vấn đề chia di sản thừa kế. nhưng bạn đã không làm yêu cầu chia di sản.
Tuy nhiên, căn cứ theo tiểu mục 2.4 Mục 2 Phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế trong các trường hợp sau:
– Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
+ Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
+ Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
+ Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
– Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo Ủy quyền… thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.
Như vậy, trường hợp của bạn thì bố bạn không có di chúc, do vậy bạn có thể nộp đơn Khởi kiện lên Tòa án yêu cầu giải quyết việc chia tài sản chung (có sự đồng ý của các đồng thừa kế khác). Khi đó, bạn, chị và các em có thể thỏa thuận phần mỗi người được hưởng hoặc sẽ chia di sản theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
Việc chia thừa kế theo quy định của pháp luật, quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
>> Tham khảo ngay: Một số vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai
5. Tranh chấp đất đai về phần đất đã bán?
Kính chào Luật Sư! Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp gia đình chúng tôi một số việc như sau: Ngày 16 tháng 3 ăm 1995 gia đình tôi có mua 1 căn nhà 48m2 của bà Huỳnh Thị T địa chỉ số 64/6, Tổ 7, Ấp 4, Xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, Tp. Hồ Chí Minh. Đất và nhà nay thuộc thửa đất 112, tờ số 10 Xã Phú Xuân Huyện Nhà Bè (theo tài liệu 02/CT-UB là thửa 64, tờ số 17 Xã Phú Xuân).
Khi đó miếng đất do cha mẹ bà T đứng tên và có chữ ký xác nhận của cha mẹ bà T (với lý do đất chưa tách sổ cho bà T, khi nào tách sổ cho bà T thì bà T sẽ sang tên cho gia đình chúng tôi). Hợp đồng mua bán có 3 chữ ký của bên bán gồm cha mẹ và bà T, bên mua có chữ ký của chú tôi và ông tổ trưởng dân phố cùng chữ ký và đóng dấu của chủ tịch xã Phú Xuân lúc bây giờ. Vậy theo luật sư thì hợp đồng này có giá trị pháp lý không?
Ngày 20 tháng 3 năm 1995 tức là chỉ sau 04 ngày kể từ ngày làm đơn chuyển nhượng khu đất trên cho gia đình chúng tôi vào thời điểm năm 1995, Bà T đã được UBND Huyện Nhà Bè cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sử sụng đất là đất ở do Ủy ban nhân dân Huyện Nhà Bè cấp ngày 20/3/1995 tại vị trí nêu trên. Bà T cố tình không thông báo sự việc quan trọng này để gia đình chúng tôi có thể tiến hành nộp hồ sơ thủ tục sang tên vào thời điểm đó đồng thời bằng những thủ đoạn gian dối bà T đã thế chấp ngân hàng khu đất trên lần lượt vào năm 2007, 2009. Sau đó, bà T đã chuyển nhượng khu đất trên vào năm 2011 và thực hiện thủ tục chuyển nhượng sang tên cho Bà Nguyễn Thị N theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BQ 548871 vào sổ CH02442 do UBND Huyện Nhà Bè cấp ngày 25/9/2013.
Vậy theo Luật Sư thì việc làm của bà T có trái pháp luật không? Gia đình chúng tôi có thể kiện ra Tòa để đòi lại quyền lợi và có thể xin cấp Giấy Chứng Nhận quyền sử dụng Đất theo quy định của pháp luật đất đai không?
Tôi xin thay mặt gia đình xin chân thành biết ơn luật sư!
Luật sư tư vấn Luật Đất đai gọi: đẹp không tưởng
Trả lời:
Theo như phần trình bày của bạn, gia đình bạn có xác lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào ngày 16/3/1995, tại thời điểm này, để đánh giá xem hợp đồng trên có hợp pháp hay không cần phải dựa trên quy định của Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước số 52-LCT/HĐNN8 ngày 07 tháng 05 năm 1991 về hợp đồng dân sự và Luật Đất đai năm 1993.
Theo đó, đối với các hợp đồng dân sự liên quan đến bất động sản, cụ thể là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở thì pháp luật thời điểm này không có quy định bắt buộc phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực. Theo đó, miếng đất do cha mẹ bà T đứng tên và có chữ ký xác nhận của cha mẹ bà T (với lý do đất chưa tách sổ cho bà T, khi nào tách sổ cho bà T thì bà T sẽ sang tên cho gia đình bạn). Hợp đồng mua bán có 3 chữ ký của bên bán gồm cha mẹ và bà T, bên mua có chữ ký của chú bạn và ông tổ trưởng dân phố cùng chữ ký và đóng dấu của chủ tịch xã Phú Xuân lúc bây giờ. Tại thời điểm đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này có hiệu lực pháp luật.
Khi hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của chú bạn và bà T có hiệu lực pháp luật thì việc bà T tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà N năm 2011 là vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng với gia đình bạn vì bà T có hứa hẹn sẽ làm thủ tục sang tên cho gia đình bạn khi bà T được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, gia đình bạn đương nhiên có quyền nộp đơn Khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề tranh chấp này cho gia đình bạn cũng như yêu cầu bà T bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn tương ứng với mức thiệt hại bà T đã gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
>> Tham khảo ngay: Tư vấn, hướng dẫn giải quyết tranh chấp đất đai ?
6. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai: Tranh chấp mốc ranh giới?
Thưa luật sư, xin hỏi luật sư: Gia đình tôi và hàng xóm cùng được phân đất của cơ quan. Nhà tôi xây tường rào giáp ranh từ năm 1990. Năm 2003 cơ quan địa chính xuống làm thủ tục cấp bìa đỏ, thánh 06/2003 cả hai gia đình được cấp sổ đỏ. Trước khi cấp sổ đỏ hai gia đình sống hòa thuận không có kiện cáo gì. Sau khi có sổ đỏ đến nay hàng rào giữa hai gia đình vẫn giữ nguyên hiện trạng. Sau khi có sổ đỏ, tháng 4/2004 gia đình hàng xóm kiện tôi ra phường là nhà tôi lấn chiếm đất, phường không hòa giải được, đề nghị hai gia đình đưa nhau ra tòa. Sau một thời gian gia đình hàng xóm cũng không thấy kiện ra tòa.
Đến tháng 06/2008 gia đình hàng xóm đập hàng rào nhà tôi. Tôi viết đơn ra phường vì gia đình hàng xóm phá hoại tài sản công dân. Tháng 7/2008 phường hòa giải giữa hai gia đình, bắt gia đình hàng xóm phải xây lại hàng rào nhà tôi và đề nghị hai gia đình đưa nhau ra Tòa. Gia đình hàng xóm đã xây lại hàng rao như ban đầu. Sau đó tháng 07/2008 gia đình hàng xóm khởi kiện tôi ra Tòa án, đến nay Tòa án đang thụ lý chưa xử. Và thực tế sau khi nhận sổ đỏ, nhà hàng xóm kiện thì tôi mới biết đất gia đình tôi thừa với sổ đỏ, gia đình hàng xóm thiếu so với sổ đỏ. Vậy xin hỏi luật sư:
– Năm 2004 sau khi hòa giải ở phường không thành, phường đề nghị ra toà nhưng gia đình hàng xóm không khởi kiện. Mà tới năm 2008 sau khi đập bờ rào nhà tôi thì họ mới khởi kiện. Vậy xin hỏi về thủ tục thời gian Tòa thụ lý vụ án có đúng không?
– Trước khi làm sổ đỏ năm 2003: hàng rào tôi xây năm 1990 và hai gia đình sống hòa thuận. Đến năm 2004 họ kiện tôi lấn đất có đúng không?Mong sớm nhận được phản hồi của luật sư, tôi xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: đẹp không tưởng
Trả lời:
Về việc Tòa án thụ lý vụ án có đúng quy định hay không?
Quy định về thụ lý vụ án tại thời điểm nộp đơn Khởi kiện là năm 2008, khi đó, đang áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định về quyền Khởi kiện vụ án tại Điều 161 như sau:
“Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
Đối với thời hiệu khởi kiện tranh chấp đất đai không có quy định về thời hiệu khởi kiện là bao lâu? Cũng như không có quy định nào quy định sau khi được tiến hành hòa giải không thành tại chính quyền địa phương thì trong thời hạn tối đa là bao lâu phải nộp đơn khởi kiện lên Tòa án? Bởi lẽ, quyền khởi kiện của công dân xảy ra khi quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đó bị xâm phạm, không thể căn cứ vào việc hòa giải của chính quyền địa phương để tính thời hiệu khởi kiện được (trừ những trường hợp có quy định về thời hiệu khởi kiện theo quy định của Bộ luật dân sự). Còn việc Tòa án vẫn thụ lý đơn thì khi nộp đơn khởi kiện, nguyên đơn cung cấp được đầy đủ các giấy tờ chứng minh về việc tranh chấp đất đai thì Tòa án sẽ tiến hành thụ lý đơn theo Điều 171 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
Về vấn đề khởi kiện của hàng xóm có đúng quy định hay không?
Theo như thông tin bạn cung cấp, mặc dù hai gia đình đã xây dựng hàng rào sử dụng ổn đình từ năm 1990 đến trước khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2003. Đến thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gia đình bạn cũng như gia đình hàng xóm của bạn mới biết gia đình hàng xóm bị thiếu đất so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhà bạn thì thừa đất so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, lúc này, hàng xóm mới biết quyền sử dụng đất của mình bị xâm phạm (trước đó không biết nên mới chấp nhận cho gia đình bạn xây dựng tường rào xung quanh) nên theo quy định của pháp luật tại thời điểm này, căn cứ Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì hàng xóm của bạn vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai theo quy định.
>> Tham khảo câu trả lời liên quan: Một số vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: đẹp không tưởng để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Đất đai – Công ty luật Minh Khuê