Thứ Sáu, 09/07/2021 10:00 (GMT+07)
Trang Tử (369–286 TCN) là một tác gia Đạo giáo Trung Quốc thời kì Chiến quốc, ông nổi tiếng với những câu nói tưởng chừng giản đơn nhưng giá trị lớn lao của chúng vẫn nguyên vẹn nghìn năm qua.
Dù là người không nắm giữ quyền cao, chức trọng vang danh bốn bể như nhiều người nhưng cái tên Trang Tử vẫn luôn được nhắc đến với sự nể trọng của người đời. Cuốn sách mang tên ông, “Trang Tử” (hay còn gọi là “Nam Hoa Kinh”), đã được lưu giữ qua nhiều thế hệ và luôn là nguồn cảm hứng cho vô số các tác phẩm nghiên cứu và diễn giải cho đến ngày nay.
1. Trang Tử dạy ta phải biết đủ
Khi chúng ta càng có nhiều ham muốn, tìm cách theo đuổi những thứ không thực tế như trường thọ hay của cải chất đầy sẽ càng dễ mắc kẹt trong cái bẫy của lòng tham và tội lỗi, nếu có đạt được thì cũng chỉ tồn tại trong phút chốc còn tâm ta vẫn cứ buồn khổ muôn đời.
Trong thực tế, ai càng muốn sống lâu thì tuổi thọ càng ngắn, người càng tham lam lại càng nhanh chóng rơi vào tình trạng nghèo khó. Đó là bởi họ đã bị những dục vọng lôi kéo, làm mờ mắt và đánh mất đi cái bản chất vốn có của cuộc sống.
Do đó, Trang Tử dạy ta phải biết đủ, vì biết đủ là gia tài lớn nhất mà chúng ta có, từ đó tránh việc ham muốn quá mức rồi có thể hủy hoại chính cuộc sống của mình lúc nào không hay.
Thế nhưng để đi ngược lại với tư duy thích sống lâu, nhiều tiền của người đời là chuyện vô cùng khó khăn. Cách tốt nhất để tránh cám dỗ, theo Trang Tử là không tiếp cận nó.
Ông từng nói: “Ngũ sắc làm cho mắt người ta nhìn không thấy; ngũ âm làm cho tai người ta nghe không ra; ngũ vị khiến người tê lưỡi, mất cảm giác; rong ruổi săn bắn, khiến tâm người nổi loạn, thứ khó được khiến người gây trở ngại cho chính mình.”
Làm người mà chú trọng theo đuổi cảm giác kích thích bản thân, cuối cùng sẽ gây hại chính mình, làm cho ngũ quan mất đi năng lực vốn có của nó.
Trang Tử từng có một chức quan nhỏ trong thời gian ngắn, còn lại ông sẵn sàng từ chối những chức vị quan trọng như tể tướng để có cuộc sống bình dị. Ông ví việc đánh đổi tự do cá nhân để lấy chức vụ trong triều đình cũng giống như hình ảnh rùa thần bán đi chiếc mai để được thờ phụng.
Trang Tử có lối tư duy khác lạ, có cuộc sống nghèo khó nhưng ông không hề bi quan. Ông lánh xa các viên quan hưởng thụ trong nhung lụa, và an lạc với cuộc sống dù chỉ có một bộ quần áo vá, một bát cơm nhỏ.
Một câu chuyện được kể lại như sau, có một người ngồi bên sông câu cá, mỗi lần câu ông đều sẽ ước chừng, con nào hơi to một tí sẽ thả về lại sông. Những người khác thấy vậy đều hỏi tại sao.
Ông nói: “Cái chảo nhà tôi chỉ to có chừng này, cá to quá không cho được vào chảo”.
Câu chuyện trên quả là đáng ngẫm về thái độ biết đủ của người câu cá.
Trong “Trang Tử” có viết: “Đa nam tử tắc đa cụ, phú tắc đã sự, thọ tắc đa nhục”. Có nghĩa là khi tất cả mọi người đều cho rằng nhiều con trai, nhiều của cải, sống càng lâu càng tốt là phúc khí của một người, thì Trang Tử lại cho rằng tất cả đều đại diện cho “bất hạnh”.
Một gia đình nhiều con trai sẽ có nhiều lo lắng; nhiều của cải đi kèm với thị phi tương ứng; sống quá thọ cũng chưa chắc đã phải chuyện hay, chẳng hạn như sống lâu nhưng những năm cuối đời chỉ nhờ vào việc chăm sóc, trông nom của con cháu, không làm được việc gì cụ thể thì không còn hạnh phúc nữa rồi.
2. Đạt trạng thái làm như không làm
Trang Tử tin rằng trạng thái tuyệt vời nhất trong xã hội là có thể “làm mà không làm, quản mà không quản (Triết lý sống vô vi)”.
“Vô” nghĩa là “không”, “vi” nghĩa là “làm” và vô vi nghĩa là không làm gì.
Thế nhưng “Không làm” ở đây không có nghĩa là không việc gì cụ thể, mà là “làm” nhưng cảm giác nhẹ nhàng, không chút áp lực nên cảm giác rất thư thái, giống như đang nghỉ ngơi chứ không giống đang làm việc.
Điều này tạo ra các hành động rất hoàn hảo bởi tất cả mọi thứ đều thuận theo quá trình phát triển tự nhiên của nó, đó là khi ta thực hiện một việc nhuần nhuyễn, tự nhiên như hơi thở nên không còn cảm giác mệt mỏi, hay căng thẳng và không xem đó là công việc nữa rồi. Ví dụ một người bán hàng giỏi sẽ bán như không bán, người giáo viên dạy như không dạy,…
Khái niệm này sẽ trở nên khó hiểu với những người mỗi sáng ngủ dậy chỉ cảm thấy mệt mỏi, áp lực, không muốn đi làm. Trong khi đó, không ít người thành công từng tâm sự rằng họ làm 18 tiếng một ngày nhưng thực ra mọi thứ diễn ra tự nhiên, họ cảm thấy như mình đang tận hưởng hành trình đó chứ không còn xem là công việc.
Vì bản chất là họ không vướng bận lo âu, không lo toan tất bật, không hối hả xô bồ, mọi thứ tự nhiên, nhẹ nhàng như dòng nước chảy. Trong khi đó hầu hết chúng ta sức lực, năng lượng thường bị tiêu hao do áp lực, mệt mỏi, căng thẳng sau cả ngày làm việc nhưng hiệu quả công việc cũng không cao.
3. Làm việc gì cứ hết mình là đủ
Theo Trang Tử con người cũng rất nhỏ bé, trông như một hạt cát giữa vũ trụ mà thôi. Vì thế, đừng xem trọng quá bản thân mình, đừng để bị những ham muốn bên trong nội tâm bó buộc, cứ sống xởi lởi, tự do tự tại.
Là con người nên có ước mơ, đam mê để theo đuổi hết mình, để cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống này, thế nhưng đừng vì thế mà căng thẳng, mệt mỏi, hãy làm mọi việc bằng trái tim vô tư, thoải mái. Việc có thành quả hay thành công rực rỡ hay không thì không ai dám chắc nhưng quan trọng là hành trình đó đã giúp bạn trưởng thành.
Đừng cố làm mọi thứ với mục đích có danh vọng hay tiền bạc nhằm chứng tỏ bản thân. Hãy âm thầm làm việc, từ việc nhỏ đến việc lớn, đều hoàn thành một cách bình tĩnh và chậm rãi, học cách đón nhận niềm hân hoan giản đơn. Bởi hạnh phúc vừa là hành trình vừa là đích đến.
Chúng ta không có quyền quyết mình được sống bao nhiêu tuổi, có tiền bạc của cải tới đâu, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể quyết định tâm thái của mình. Cố gắng hết sức, còn lại hãy để thời gian trả lời, đây chính là phúc khí lớn nhất đời người. Dù chúng ta không là người quyết định có thể 100% chiến thắng hay không nên chỉ tập trung vào việc cứ nỗ lực hết sức là đủ.
Cũng giống như Hafiz đã từng nói: “Thậm chí sau từng ấy năm, Mặt Trời chưa bao giờ nói với Trái Đất rằng ‘cậu nợ tôi’. Hãy nhìn những gì tình yêu có thể mang đến. Nó thắp sáng cả bầu trời”.
4. Phước lành lớn nhất là để mọi thứ tự nhiên
Trang Tử cũng là người luôn đề cao những giá trị thuận theo tự nhiên, ông khuyên chúng ta rằng, đừng cho rằng mình là người có quyền kiểm soát thế giới này.
Nhiều người muốn sống thọ nên uống bao nhiêu là thuốc bổ nhưng lại gây tác dụng ngược và dễ bị bệnh, chết nhanh hơn. Người ta tham lam không chừa thủ đoạn đi kiếm tiền, lại chịu sự trừng phạt của luật pháp, rơi vào con đường tù tội.
Trang Tử nói: “Thiên địa dư ngộ tính sinh, nhi vạn vật dư ngộ vi nhất”. Theo đó, con người với Đất Trời là “một thể”, chứ không phải bài trừ lẫn nhau nghĩa là ta cần biết tôn trọng tự nhiên mà sống, đó mới là khôn ngoan, hiểu biết.
Ông cho rằng bản chất tự nhiên của chúng đều giống nhau cho dù bên ngoài thể hiện là khác nhau. Tư tưởng này khá tương đồng với tư tưởng của Đạo Phật khi cho rằng chúng ta chỉ là một.
Có thể nói, phú quý ra sao, sống lâu bao nhiêu tuổi có khi không quá quan trọng lắm, cứ an nhiên sống thuận theo tự nhiên sẽ có thể gặt hái được không ít ích lợi mà ta không thể nào đoán biết trước được.
Khổng Tử răn 5 điều có sức mạnh lấn át phong thủy
Học cách người xưa để biết nên làm gì khi sa cơ lỡ vận