Mục lục bài viết
1. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai khi một bên vắng mặt?
Xin chào Luật Minh Khuê, tôi có câu hỏi sau xin được giải đáp: Tôi có làm đơn tranh chấp đất đai với một người nhưng người đó đã bỏ địa phương quá 06 tháng. Nên chính quyền địa phương không giải quyết đến nay đã 5 năm. Mặc dù tôi có hỏi thăm chính quyền vụ đất trên rất nhiều lần. Vậy tôi phải làm sao để được chính quyền giải quyết tranh chấp trên? Xin cảm ơn.
>> Luật sư tư vấn luật đất đai trực tuyến gọi: đẹp không tưởng
Trả lời:
Với trường hợp của bạn, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Về nguyên tắc, tranh chấp đất đai phải được hòa giải trước khi khởi kiện ra tòa. Hai bên có thể tự hòa giải hoặc gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tranh chấp đất để hòa giải theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013. Khi đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã sẽ có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cậu giải quyết tranh chấp đất đai.
Trong trường hợp này, bạn mới chỉ cung cấp vì người có tranh chấp đất với bạn đã bỏ địa phương đi 06 tháng, vì thời gian đi khỏi địa phương chưa đến 2 năm nên không thuộc vào quy định của Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015 về việc yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích đối với người đó.
Vì bạn có cung cấp thông tin bạn gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai với một người đã bỏ đi được 06 tháng, đến nay đã 05 năm nhưng không được chính quyền địa phương giải quyết, do đó, có thể xác định được người có tranh chấp đất đai với bạn đã bỏ đi khỏi địa phương 06 tháng từ khi bạn bắt đầu gửi đơn kiện từ 05 năm trước.
Theo đó, nếu bên người đang tranh chấp đất với bạn đã bỏ đi 06 tháng khỏi địa phương nên chính quyền không thể tiến hành hòa giải giữa hai bên để giải quyết việc tranh chấp đất theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 vì một bên tranh chấp không có mặt ở địa phương để tiến hành hòa giải giữa các bên. Lúc này, sau 45 ngày kể từ ngày bạn gửi đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để yêu cầu giải quyết nhưng Ủy ban nhân dân xã không giải quyết được thì bạn có thể yêu cầu chính quyền địa phương lập biên bản hòa giải không thành giữa các bên vì không thể tiến hành hòa giải được. Sau đó, bạn có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai cho bạn theo quy định tại khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
>> Tham khảo ngay: Tư vấn tranh chấp đất đai: Mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay?
2. Tranh chấp đất đai giữa các hộ gia đình thì phải làm như thế nào?
Thưa luật sư, hiện tại gia đình em có 6 ha rừng được nhà nước giao và cấp sổ xanh năm 1994 giá trị sử dụng 50 năm. Rừng ở vị trí cao nên gia đình em để rừng tự nhiên, thời gian gần đây có 2 hộ gia đình giáp ranh phát rừng để trồng keo, đã phát và trồng lấn lên đất nhà em 1 ha. Em cần phải là thủ tục như thế nào để lấy lại diện tích bị lấn chiếm? Em xin cảm ơn.
Trả lời:
Căn cứ theo Luật Đất đai năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì bạn có thể lựa chọn một trong các cách thức sau để có thể lấy lại diện tích bị lấn chiếm như sau:
Cách 1:
Gia đình bạn có thể nộp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi có đất để yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định tại Điều 202 và Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.
Trong trường hợp, Ủy ban nhân dân tiến hành hòa giải thành thì bạn có quyền yêu cầu hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai lập biên bản hòa giải thành, đương nhiên, trong nội dung hòa giải tranh chấp đất đai sẽ có nội dung hai gia đình giáp ranh đất nhà bạn phải trả lại đất cho gia đình bạn theo đúng hiện trạng đất của gia đình bạn được thể hiện trên sổ xanh được cấp năm 1994.
Ngược lại, nếu hòa giải không thành, thì gia đình bạn có thể yêu cầu chính quyền địa phương lập biên bản hòa giải không thành, sau đó thực hiện một trong các các tiếp theo.
Cách 2:
Nộp đơn yêu cầu hòa giải đất đai cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để giải quyết, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Cách 3:
Nộp đơn khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự cho Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã nơi có đất để yêu cầu giải quyết theo quy định tại khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Cách 4:
Nộp đơn yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi có đất theo quy định của Điều 3 và Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.
4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.”
>> Tham khảo thêm: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai khi không có giấy chứng nhận quyền sở hữu
3. Tranh chấp đất đai phải kiện ở đâu và kiện như thế nào?
Kính thưa luật sư, nhà tôi có mảnh đất mua từ năm 1994, đến năm 1996 được cấp sổ đỏ, do chưa có nhu cầu sử dụng và cũng đi xa một thời gian nhưng vẫn nhờ người ở nhà đóng thuế đất hàng năm đày đủ. Nhà bên cạnh lô đất nhà tôi cũng được cấp sổ đỏ cùng thời gian như vậy nhưng lại có một phần diện tích trong mảnh đất nhà tôi là 60m2. Do có nhu cầu sử dụng, xây dựng thì nhà bên sang đòi đất nhà tôi. Tôi đưa sổ đỏ ra nhưng trong sổ đỏ của nhà bên cũng có phần đất ấy, lên xã xem bản đồ địa chính thì bản đồ địa chính đã bị sửa và không có phần diện tích của nhà tôi như trong sổ đỏ. Vậy tôi giải quyết tranh chấp đất đai như thế nào? Gửi đơn tranh chấp ở đâu? Và cần có những thủ tục gì? Xin cảm ơn luật sư.
Trả lời:
Căn cứ theo Điều 202 Luật Đất đai năm 2013, đất của gia đình bạn và gia đình hàng xóm đều đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó, trong trường hợp này, nhà nước khuyến khích hòa giải tranh chấp đất đai giữa hai bên và hòa giải tại cơ sở. Trường hợp các bên không thể tự hòa giải được với nhau thì có thể nộp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để yêu cầu giải quyết. Bạn có thể chuẩn bị đơn và nộp lần lượt tại các cơ quan/ cá nhân có thẩm quyền sau để yêu cầu giải quyết:
– Nộp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để yêu cầu giải quyết trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày bạn nộp đơn yêu cầu giải quyết. Hết 45 ngày, bạn có quyền yêu cầu đại diện của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành hòa giải đất đai giữa các bên lập biên bản hòa giải thành (nếu hai bên đã tiến hành thương lượng được với nhau) hoặc biên bản hòa giải không thành nếu hai bên không thể hòa giải được. Khi hòa giải không thành thì bạn có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để giải quyết, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
– Nộp đơn Khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã nơi có đất để yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định tại khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Dù là nộp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai hay nộp đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân thì bạn cũng cần chuẩn bị được tất cả các giấy tờ, tài liệu, bằng chứng để chứng minh gia đình bạn có quyền sở hữu đối với mảnh đất này thông qua Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, biên lai về tiền nộp thuế đất, nộp tiền sử dụng đất, cam kết, xác nhận của các hộ hàng xóm, hộ giáp ranh liền kề chứng minh mảnh đất là đất của gia đình bạn,… Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào những bằng chứng mà bạn cũng như hộ gia đình giáp ranh với gia đình bạn cung cấp để đưa ra được Quyết định/ Bản án phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn.
>> Tham khảo thêm: Viết đơn khởi kiện tranh chấp đất đai theo quy định của luật mới ?
4. Tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai giữa mẹ với cậu ruột?
Xin chào luật sư, tôi có câu hỏi muốn nhờ luật sư tư vấn: Trước kia mẹ tôi có bỏ tiền ra mua một mảnh đất ở với bà ngoại mà đứng tên bà ngoại. Về sau có ông cậu ruột về ở chung tới bây giờ. Và đã cấp sổ đỏ cho cậu và mẹ tôi. Cho tôi hỏi có cách nào để mẹ tôi đứng tên một mình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn pháp luật đất đai trực tuyến gọi: đẹp không tưởng
Trả lời:
Theo Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:
“2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.”
Trong trường hợp của bạn, ông cậu của bạn và mẹ bạn cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì thế, ông cậu bạn cũng như mẹ bạn cũng có quyền và nghĩa vụ về quyền sử dụng đất như những cá nhân, hộ gia đình được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khác (theo Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013). Nếu mẹ bạn muốn đứng tên một mình trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chỉ có cách là ông cậu làm hợp đồng tặng cho quyền sử dụng mảnh đất đó cho mẹ bạn hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho mẹ bạn. Hợp đồng chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật theo khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 thì khi đó mẹ bạn mới có thể đứng tên một mình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
>> Tham khảo ngay: Khởi kiện tranh chấp đất đai khi diện tích thực tế lớn hơn diện tích trong giấy chứng nhận ?
5. Giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông nội và bố ?
Câu hỏi của em liên quan đến chia thừa kế về đất đai. Ông nội em muốn chia mảnh đất mà gia đình em đang ở cho một người con nữa nhưng vì ông chia đất không hợp lý (ông chia toàn bộ vườn, ao cho bác ấy tức là khu đất mà nhà em đang ở bị bao xung quanh) nên bố em không đồng ý.
Do không được sự đồng ý của bố em nên ông và bố đã có to tiếng với nhau. Sau đó, ông có hành vi đi nói xấu gia đình em nghiêm trọng là kể lể với bà con hàng xóm là bố em dùng gậy sắt đánh ông mặc dù chuyện đó không xảy ra và ai cũng biết. Hơn nữa, ông cùng các con còn gọi bảo vệ đến nhà em tố cáo sự việc không hề xảy ra trên. Vậy luật sư cho em hỏi, việc chia đất như trên có hợp pháp không? Nếu không hợp pháp thì phải xử lý như thế nào? Và nếu có hành vi quá đáng xảy ra em có thể kiện về tội vu khống người khác được không? Em xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: đẹp không tưởng
Trả lời:
Về vấn đề chia đất của ông bạn: Nếu mảnh đất này thuộc quyền sở hữu của ông của bạn thì ông bạn hoàn toàn có quyền định đoạt là tài sản đấy cho ai và cho như thế nào. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự 2015, chủ sở hữu tài sản có toàn quyền định đoạt, chiếm hữu và sử dụng tài sản của mình như quy định tại điều 194 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Điều 194. Quyền định đoạt của chủ sở hữu
Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.”
Tuy nhiên, nếu mảnh đất này đứng tên của bố bạn thì ông bạn không có quyền quyết định chia mảnh đất này và việc ông bạn chia đất như vậy là không đúng vì ông bạn không có quyền định đoạt mảnh đất này tức là việc chia mảnh đất là không đúng theo quy định của pháp luật. Còn nếu ông bạn có bằng chứng để chứng minh mảnh đất này gia đình bạn sử dụng ổn định lâu dài, không tranh chấp là mảnh đất của ông bạn, đứng tên của ông bạn, gia đình bạn chỉ được ông bạn cho mượn, ở nhờ thì bố bạn không có quyền ngăn cấm ông bạn tặng cho – thực hiện các quyền đối với quyền sử dụng đất được nêu trên.
Về vấn đề ông bạn vu khống cho bố bạn dùng gậy sắt đánh ông bạn mà ông bạn biết rõ là hành vi này hoàn toàn không có thật trên thực tế và mức độ của hành vi này ngày càng gia tăng gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của bố bạn và gia đình bạn thì bạn có thể yêu cầu ông bạn dừng ngay hành vi này lại nếu ông bạn vẫn không dừng lại bạn có thể làm đơn gửi lên cơ quan có thẩm quyền nhờ họ can thiệp vì hành vi của ông bạn đã có những dấu hiệu có thể cấu thành tội vu khống người khác quy định tại điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
“Điều 156. Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
…”
Như vậy, ông bạn có thể chia mảnh đất như vậy nếu mảnh đất đấy thuộc quyền sở hữu của ông bạn nghĩa là ông bạn đứng tên trên mảnh đất đấy.
Gia đình bạn có thể kiện ông bạn về tội vu khống nếu những hành vi trên còn tiếp tục tái diễn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự cũng như cuộc sống của gia đình bạn và gia đình bạn đã có yêu cầu mà ông bạn vẫn không dừng hành vi vu khống lại.
>> Tham khảo ngay: Khởi kiện tranh chấp đất đai khi diện tích thực tế lớn hơn diện tích trong giấy chứng nhận ?
6. Tư vấn về tranh chấp đất đai giữa ông và cháu?
Xin chào Luật sư công ty Luật Minh Khuê. Em có một vấn đề liên quan đến tranh chấp đất giữa nhà em và nhà ông em: Cách đây 3 tuần ông em có ý định sửa cửa hàng nhà em, trên thửa đất 12m2 dựa vào một gò đất nhô lên mà bố em khai thác và sử dụng từ trước năm 1993 đến nay, không có tranh chấp với ai. Bố em mất năm 2011. Trong giai đoạn chuẩn bị xây, ông em gây áp lực với người bán hàng, bắt bê máy chuyển các vật dụng liên quan để lấy cớ sửa nhà. Em thấy cửa hàng vẫn đang kinh doanh bình thường nên không cho chuyển. Sau ông mới bảo, vì thấy toà nhà xuống cấp quá, cửa hàng bên dưới cũng bị ảnh hưởng nên ông sẽ giúp sửa cho. Em thấy rất mừng vì ông nghĩ cho cửa hàng của bố em, nghĩ cho hai anh em nhà em nên em thuận theo ý ông vì nghĩ ông cháu trong nhà.
Nhưng sau đó khi xây được 2 ngày, ông nói ông sẽ ngăn đôi tầng 1 nhà đó, chia 1 bên cho nhà em, 1 bên cho nhà khác rồi ông bảo nhà ông bà, ông bà thích làm gì chẳng được. Ủy ban nhân dân Phường có nói trong buổi họp hòa giải rằng mảnh đất đó không có trên bản đồ địa chính của phường nên được coi như là đất của ông bà. Vì bố em mất không để lại di chúc nên khi chia cho ông bà tài sản để lại của bố, ông bà đã cam kết số tài sản còn lại thuộc quyền quản lý của em, mẹ và em gái em. Nhưng giờ ông bà lại đòi nhà hàng mà bố em gây dựng nên. Vậy em rất muốn anh chị tư vấn giúp xem mảnh đất đấy có thuộc quyền sở hữu của gia đình em không. Em phải làm những gì để bảo vệ quyền lợi cho gia đình mình. Em rất mong nhận được câu trả lời. Em xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn luật đất đai trực tuyến qua điện thoại, gọi: đẹp không tưởng
Trả lời:
Do bạn không nói rõ mảnh đất mà bố bạn sử dụng ổn định và không có tranh chấp từ năm 1993 là đất thuộc quyền sở hữu của bố bạn do chính bố bạn tự xác lập (mua, bán, nhận chuyển nhượng) hay đó là mảnh đất được tặng cho từ ông của bạn. Do đó, chúng tôi tư vấn cho bạn theo hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Nếu mảnh đất đó không phải là đất được tặng cho từ ông bạn thì đó là tài sản hợp pháp của bố bạn. Hơn nữa, ông bà bạn đã cam kết số tài sản được nhận thừa kế từ bố bạn của ông bà sẽ chuyển cho bạn, mẹ bạn và em gái tuy nhiên, việc thỏa thuận này của ông bà bạn với bạn, mẹ bạn và em gái lại không được lập thành văn bản như vậy là không đúng pháp luật theo Điều 167 Luật đất đai năm 2013 và đương nhiên, giao dịch sẽ bị vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức theo điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015:
“Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó;
2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”
Và khi đó, bạn, mẹ bạn hay em gái bạn sẽ không có toàn quyền sở hữu đối với mảnh đất đó vì thỏa thuận phân chia di sản giữa ông bạn và gia đình bạn vô hiệu. Khi đó, ông bạn cũng là một trong những người thuộc hàng thừa kế đối với phần di sản được thừa kế từ bố bạn theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 vì bố bạn mất không để lại di chúc. Lúc này, việc làm của ông bạn là không đúng quy định của pháp luật vì ông bạn không có toàn quyền sở hữu đối với mảnh đất của bố bạn vì đây là di sản thừa kế khi bố bạn chết để lại, bà nội bạn (nếu bà còn sống), mẹ bạn, bạn và em gái của bạn đều có quyền đối với mảnh đất này. Khi ông bạn muốn xây dựng, thay đổi kết cấu, hiện trạng của căn nhà thì phải có sự đồng ý của các đồng thừa kế còn lại.
Trường hợp 2: Nếu đó là tài sản bố bạn được tặng cho từ ông bạn thì theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 thì việc tặng cho này cần phải được lập thành văn bản và có công chứng của văn phòng công chứng/tổ chức hành nghề công chứng hoặc được chứng thực của Ủy ban nhân dân xã nơi có đất. Nếu có hợp đồng tặng cho hay bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực; các giấy tờ được quy định theo Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 thì bạn có quyền nộp đơn đề nghị xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bố của bạn.
Để có thể bảo vệ được quyền lợi cho gia đình mình, bạn cần thu thập những giấy tờ hoặc chứng minh cho việc sử dụng đất của gia đình bạn từ năm 1993 để có cơ sở yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho chủ sở hữu mảnh đất này theo quy định tại Điều 100 và Điều 101 Luật Đất đai năm 2013. Đây cũng chính là cơ sở để bảo vệ quyền sở hữu của bố mẹ bạn với mảnh đất trên. Khi đó, các bên thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn bao gồm: ông, bà, mẹ và em bạn cùng thực hiện việc khai nhận di sản tại phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng. Bạn có thể thực hiện thủ tục khởi kiện nếu ông bạn có hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm quyền và lợi ích của gia đình bạn.
Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email Tư vấn pháp luật đất đai qua Email hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến đẹp không tưởng. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật đất đai – Công ty Luật TNHH Minh Khuê