Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật xây dựng của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Đất đai, gọi: 1900.0159
Ngày 30/08/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng. Theo đó, một số nội dung liên quan đến quy hoạch xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật xây dựng (Luật số 50/2014/QH13) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch (Luật số 35/2018/QH14).
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật xây dựng năm 2014.
– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
– Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/05/2015.
– Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/08/2019.
2. Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại khoản 30, 31, 32, 33 Điều 3 Luật xây dựng:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
30. Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quy hoạch xây dựng được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh.
31. Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện là việc tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn, khu chức năng và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính của liên huyện, một huyện trong tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.
32. Quy hoạch xây dựng khu chức năng là việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi một khu chức năng quy định tại khoản 25 Điều này. Quy hoạch xây dựng khu chức năng gồm quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng.
33. Quy hoạch nông thôn là việc tổ chức không gian, sử dụng đất, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của nông thôn. Quy hoạch nông thôn gồm quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.”
và Điều 13 Luật xây dựng:
“Điều 13. Quy hoạch xây dựng
1. Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
2. Quy hoạch đô thị là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, bao gồm các loại quy hoạch được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị.
Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị.
3. Quy hoạch nông thôn là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, bao gồm các loại quy hoạch được quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này.”
Như vậy, có thể hiểu quy hoạch xây dựng bao gồm:
– Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng.
– Quy hoạch đô thị.
– Quy hoạch nông thôn.
Trong đó, quy hoạch đô thị thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật quy hoạch đô thị, như vậy, Luật xây dựng chủ yếu tập trung vào quy hoạch thứ nhất và quy hoạch thứ ba.
– Về quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng:
+ Trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch gồm:
Bộ Xây dựng tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng do Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm nguyên tắc một khu chức năng chỉ lập một quy hoạch. Đối với khu du lịch cấp quốc gia, việc lập quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phân công.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện thuộc đơn vị hành chính do mình quản lý; tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng và nhiệm vụ, đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng, trừ quy hoạch thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng đã nêu ở trên.
Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện; tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực được giao quản lý; chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư.
(Căn cứ: Điều 22, Điều 24 Luật xây dựng)
– Về quy hoạch nông thôn:
+ Trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch:
Ủy ban nhân dân xã chủ trì tổ chức việc lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch nông thôn.
+ Đối tượng lập quy hoạch:
Quy hoạch nông thôn được lập cho đối tượng là xã và điểm dân cư nông thôn.
+ Các loại quy hoạch:
Quy hoạch chung xây dựng được lập cho toàn bộ ranh giới hành chính của xã;
Quy hoạch chi tiết xây dựng được lập cho điểm dân cư nông thôn.
(Căn cứ: Điều 29 Luật xây dựng)
+ Nguyên tắc lập quy hoạch:
Các xã phải được lập quy hoạch chung xây dựng để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch chung thành phố, thị xã, làm cơ sở lập các quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn và lập các dự án đầu tư xây dựng.
Các điểm dân cư nông thôn phải được lập quy hoạch chi tiết xây dựng để cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng xã, làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng.
(Căn cứ: Điều 16 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo khoản 6 Điều 2 Nghị định số 72/2019/NĐ-CP)
Đây có lẽ là nội dung quan trọng nhất trong các nội dung liên quan đến quy hoạch nông thôn, vì như đã nói ở trên, “các điểm dân cư nông thôn phải được lập quy hoạch chi tiết xây dựng” để làm cơ sở cho việc “cấp giấy phép xây dựng”. Như đã biết, Điều 89 Luật xây dựng có liệt kê:
“Điều 89. Đối tượng và các loại giấy phép xây dựng
2. Công trình được miễn giấy phép xây dựng gồm:
k) Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa;”
Như vậy, nếu chỉ xét công trình xây dựng không phải nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, thì “quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt” là một trong hai căn cứ quan trọng nhất quyết định việc chủ đầu tư có cần cấp giấy phép xây dựng hay không.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0159 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Đất đai – Công ty luật Minh Khuê