Thứ Năm, 20/12/2018 11:02 (GMT+07)
Câu chuyện về gã ăn xin muốn thế chỗ của vị Bồ Tát
Một người ăn mày vô tình đi qua một ngôi miếu thờ tự thấy rất đông người bèn ghé vào vì tò mò. Bước vào bên trong, anh nhìn lên chính điện thấy một vị Bồ Tát đang ngồi trên đài sen ung dung tự tại. Người ăn mày ngỏ lời xin Bồ Tát: “Con có thể đổi vị trí của ngài không?”.
Bồ Tát nghe vậy mới nói: “Chỉ cần con ngồi đây không nói gì cả là được”.
Thấy việc quá dễ anh vội nhận lời và lên trên đài sen ngồi. Trước mắt anh ta là cả một thiên hạ hỗn loạn phân tranh, người cầu cái này, người cầu cái khác chẳng phút nào ngơi. Tuy nhiên vì đã nhận lời Bồ Tát không mở miệng nói gì nên anh ta vẫn giữ im lặng không nói.
Một hôm có một người phú ông đến cầu khấn: “Xin Bồ Tát hãy ban cho con mỹ đức”, người này vái dập đầu quỳ gối, dập tới dập lui, không may túi tiền của ông ta bị rơi ra ngoài nhưng phú ông hoàn toàn không hay biết. Người ăn xin định mở miệng nhắc phú ông nhưng nhớ lại lời dặn của Bồ Tát nên nhẫn lại không nói.
Sau khi vị phú ông rời đi, có một người nghèo đói tới:
Người nghèo: “Xin Bồ Tát hãy cứu giúp con, ban cho con xin chút tiền, nhà con có người bệnh nặng không tiền cứu chữa, con đang cần tiền gấp”. Xin xong người này cúi xuống dập đầu vái lạy. Khi người này vừa ngẩng đầu nên thì thấy một túi tiền bên cạnh.
Quá vui mừng, người nghèo nói: “Bồ Tát thật quá hiển linh”.
Có được tiền rồi người này mau chóng rời đi, người ăn xin ngồi trên đài sen chứng kiến mọi việc định mở miệng nói đó không phải là Bồ Tát hiển linh mà là của vị phú ông đánh rơi nhưng sau cùng nhớ lại lời Bồ Tát nên lại thôi không nói nữa.
Lúc này lại có một người đánh cá đến.
Người đánh cá: “Xin Bồ Tát hãy ban cho con sự an toàn để con ra khơi không phải gặp sóng to gió lớn”. Vái lạy xong người này vừa định quay đầu bước đi thì vị phú ông khi nãy mất tiền quay lại.
Vị phú ông cho rằng túi tiền của mình đánh rơi bị người đánh cá nhặt được không trả nên sinh ra mâu thuẫn, hai người lao vào đánh nhau. Phú ông thì một mực khẳng định túi tiền của mình bị người đánh cá lấy, còn người đánh cá vì bị oan ức nên cũng chẳng thể nhẫn lại được.
Chứng kiến cảnh tượng ấy, người ăn xin nhẫn nhịn không được nữa nên lớn tiếng quát: “Dừng tay”, sau rồi bước xuống đem toàn bộ chân tướng nói ra, mọi việc được xử lý êm đẹp.
Khi người ăn xin xử lý xong xuôi, Bồ Tát mới hỏi anh ta: “Con cảm thấy xử lý như vậy chính xác không? Con tốt nhất vẫn nên đi làm một người ăn xin thì tốt hơn.
Con mở miệng nói ra sự thật và cho rằng đó là công đạo nhưng con không biết rằng người nghèo kia vì vậy mà không có tiền cứu mạng người nhà. Vị phú ông cũng vì thế mà không tích được công đức, và người đánh cá vì ra biển mà bị sóng lật thuyền tan bỏ mạng nơi đáy biển.
Nếu như con không mở miệng nói ra, thì người nghèo kia có tiền cứu mạng người nhà. Vị phú ông kia mất chút tiền nhưng lại cứu được một mạng người, tích được công đức. Và sau cùng người đánh cá kia vì chuyện hiểu nhầm nên sẽ phải phân bua, vướng mắc, không kịp theo thuyền ra khơi, ắt sẽ bảo toàn được tính mạng”.
Người ăn mày nghe xong cúi lạy khi hiểu ra vấn về, anh lặng lẽ rời đi.
Bài học từ câu chuyện cuộc sống về im lặng
Vậy đấy, tưởng rằng im lặng là việc rất dễ làm nhưng thực tế đó là việc phải có trí huệ cao mới thực hiện được. Vì thế, từ câu chuyện cuộc sống trên chúng ta rút ra kinh nghiệm rằng, hãy để vạn sự tùy duyên, mọi chuyện sẽ có cách sắp xếp tốt nhất theo cách của nó đang diễn ra. Có những việc tưởng như rằng vì tốt bụng nên ta giúp đỡ nhưng kỳ thực là đang làm hỏng việc.
Khi chúng ta đang rơi vào một hoàn cảnh nào đó thì có thể tưởng là tốt đẹp nhưng lại thành tệ hại, trong khi đó có những việc tưởng là xấu nhưng hóa thành hoàn mỹ. Đó chính là vẻ đẹp cuộc sống khi không ai dự đoán trước được điều gì sẽ diễn ra với chúng ta ở phía trước. Vậy nên, có thể im lặng mà quan sát sự đời biến đổi cũng là một loại năng lực, có thể tuỳ kỳ tự nhiên mà sống đó cũng là một loại hạnh phúc.
|
“Đàm luận khiến người ta hiểu biết, nhưng im lặng là trường học của sự khôn ngoan”
Cibbon
|
|
Nói năng và lặng lẽ
Im lặng mang lại sức mạnh vô song
Cuộc sống hiện đại náo nhiệt ai ai cũng muốn được thể hiện mình mà chúng ta quên rằng: “Im lặng là vàng”. Vì nói quá nhiều mà chúng ta đánh mất giá trị của sự trầm tĩnh. Thậm chí, nhiều khi chúng ta đưa ra lời khuyên thẳng thắn dựa vào quan điểm cá nhân vì cho rằng mình là người tốt. Nhưng hãy cẩn thận kẻo nói thẳng, nói thật có thể là khẩu nghiệp không chừng.
Cổ nhân có câu, khi một người “thao thao bất tuyệt” thì suy nghĩ của người ấy đã bị chính cái miệng nhiều lời mưu sát một nửa rồi. Bảo trì sự im lặng, trầm tĩnh rất nhiều khi là sách lược, là cách xử sự thông minh nhất trong đối nhân xử thế và giải quyết sự việc.
Trầm tĩnh, im lặng không có nghĩa là không nói bất cứ điều gì cả mà là “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” tức là chỉ nói lời nên nói và biết dừng lại đúng lúc.
Im lặng rất nhiều khi có sức mạnh vô cùng lớn, sức mạnh ấy giống như có thể tụ hợp được hết thảy màu sắc của ánh sáng vậy. Từ xưa đến nay, rất ít người bởi vì trầm tĩnh mà phải hối hận nhưng lại có rất nhiều người bởi vì nói nhiều mà hối hận không bù đắp nổi.
Trong cuộc sống, những người chân thành thì thường ít nói, những người “mưu sâu kế hiểm” cũng ít nói. Nhưng thà rằng vì ít lời mà bị người khác chê trách còn hơn bị chê trách vì nhiều lời.
Trượt chân còn có thể đứng dậy đi tiếp, lời nói lỡ thì khó vãn hồi. Tiểu nhân nói hỗn tạp mà trống rỗng, người quân tử nói ngắn gọn mà chân thật.
Người biết im lặng là người có trí
Nói chuyện xuất từ thiên tính, im lặng xuất từ trí tuệ. Trí giả nghĩ trước nói sau, kẻ vô minh nói trước nghĩ sau.
Những người hiểu chuyện thường không nói huyên thuyên mà là không dễ để người khác đoán biết mình qua nét mặt hay giọng nói. Càng là người có tài họ càng chẳng cần muốn chứng minh điều gì, thậm chí họ không muốn để lộ tài năng vì họ hiểu nhiều, suy nghĩ kỹ lưỡng rồi mới nói. Người ta hay nói “thùng rỗng kêu to” để thể hiện sự thiếu tri thức, trí huệ nên mới nói càn, nói bậy để che lấp sự thiếu sót của chính mình.
Cho nên, cũng có câu: “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng phi chân nhân” . Người chân chính có trí tuệ lấy phòng thủ để tấn công, lấy lặng lẽ để lên tiếng. Vậy khi bị hiểu lầm thì chẳng nhẽ im lặng? Khi chưa được hiểu, chúng ta cần cởi mở và hoà đồng để người khác có thể hiểu mình hơn – dù không thể hiểu hết. Nhưng nếu bạn cảm thấy người ta thực sự không thể hiểu hoặc không muốn hiểu thì tốt nhất là im lặng.
Với một người áp đặt ý kiến thì có nói ra người ta cũng cố tình không hiểu nên cách tốt nhất là… im lặng.
Người bình thường luôn mải nói ra điều mình biết, nhưng người trí tuệ lại luôn mải lắng nghe người khác nói. Chính vậy, người càng có trí tuệ càng biết lắng nghe.
Sự im lặng là “vương quốc” của hoạt động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, sự hiểu biết, sự trưởng thành, sự hồi tâm… Văn hào W. Goethe xác định: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”.
Kathy
Nghe xong chuyện rắn và ong bạn sẽ không muốn TRỪNG PHẠT người khác
Bài học cuộc sống: Đừng từ bụng ta suy ra bụng người