Nếu sớm biết đau nỗi đau của người khác cũng là nỗi đau của mình thì dịch bệnh đã chẳng lan tràn đến vậy
Thế giới hoảng loạn trong dịch bệnh
Thế giới trong những ngày gần đây đã trở nên hoảng loạn hơn bao giờ hết khi số ca nhiễm virus corona tăng chóng mặt và không ai có câu trả lời chính xác khi nào ta có thể kìm hãm được.
Hình ảnh này khác xa với hình ảnh châu Âu, châu Mỹ thờ ơ với tình hình dịch bệnh diễn ra ở châu Á khoảng 1-2 tháng trước đó. Thậm chí trong lúc các nước đang ra sức chữa trị cho người dân của họ thì ở nửa bán cầu khác có những người vẫn ra sức chỉ trích và kỳ thị, chê bai.
Nếu họ từng cảm nhận nỗi nỗi đau của người khác thì họ đã không buông những lời như vậy và đi kèm theo đó là những dự đoán ác ý khi dịch bệnh trước đó đã diễn ra lan tràn ở châu Á. Những bàn tay chìa ra giúp đỡ cũng thật ít ỏi nếu không muốn nói là lạnh lùng, hắt hủi.
Dịch bệnh đúng là phép thử để bản chất của cá nhân, của tổ chức, quốc gia bị phơi bày, lộ rõ và không có gì có thể che giấu nổi.
Chính Tổng thống Donald Trump trước đây 2 ngày viết trên trang cá nhân: “Mỗi năm có từ 27.000 đến 70.000 người chết vì cúm. Chẳng có nơi nào bị đóng cửa, cuộc sống và nền kinh tế vẫn diễn ra“.
Điều đó chỉ thấy một nước Mỹ máu lạnh khi xem mạng sống của những người bị cúm mùa của nước mình như là một việc đương nhiên và chẳng bao giờ có ý định ngăn chặn nó. Dường như họ chẳng cần biết đó là sai lầm cần phải sửa về một nền kinh tế mạnh nhưng y tế lại yếu kém.
Đơn giản là vì họ chẳng để tâm đến số người chết hay người dân của mình bị bệnh mà chỉ để ý rằng: cuộc sống và nền kinh tế vẫn diễn ra.
Khi đặt bàn cân giữa tính mạng và tiền thì đa số đối với họ tiền sẽ nặng hơn, họ lo lắng cho viễn cảnh một nền kinh tế sụp đổ thì khó dựng lại được còn người chết đi rồi thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới kinh tế của họ cả!
Để rồi khi đọc và tìm hiểu tình hình dịch bệnh mỗi ngày ở các quốc gia khác suốt trong thời gian dịch bệnh diễn ra với con số cứ tăng lên từng nghìn người, chính chúng ta cũng cảm thấy hoang mang, tại sao họ có thờ ơ với dịch bệnh như vậy?
Vì sao họ xem thường mạng sống ư? Vì mọi giá trị của họ đều được xây dựng trên tiền và rất nhiều tiền nên cho đến lúc này họ vẫn không thực sự quan tâm tới việc bệnh dịch có nguy hiểm thực sự mà chỉ muốn bằng mọi cách kiểm soát để dịch bệnh không ảnh hưởng tới tiền của họ.
Lúc này đây, cả thế giới nhìn vào tấm gương soi chiếu khổng lồ mới thấy bản chất đó mới được bộc lộ rõ. Châu Mỹ hay cả châu Âu không phải là không có biện pháp ngăn chặn mà họ đang thực hiện những cách mà họ cho rằng mình đúng, nhưng những cách đó chỉ để đảm bảo rằng kinh tế sẽ bị đình trệ khi con người hoang mang trong dịch bệnh chứ không phải cứu từng mạng người.
Họ chỉ lo rằng tiền trong túi của họ không thể sinh sôi được nữa khi con người đang tìm cách trốn dịch bệnh, do đó họ ru ngủ mọi người rằng “Tỉ lệ chết người rất ít” nên cứ xem như nó là bệnh cúm thông thường đi.
Thế là họ vẫn sinh hoạt bình thường và xem đó là dịch cúm, thế là những chú cừu vẫn nghe lời “sói” để đảm bảo cho túi tiền của chúng không bị thất thoát.
Chỉ đến khi tình hình dịch bệnh báo động không thể kiểm soát được nữa thì cũng là quá muộn rồi khi mà cũng chính Mỹ đưa ra lệnh cấm chỉ sau 2 ngày Donald Trump tuyên bố lạnh lùng trên về tình hình dịch bệnh ở nước mình.
Luca Franzese – diễn viên người Ý bị mắc kẹt trong nhà cùng thi thể người chị đã mất trước đó vì nhiễm Covid-19 |
Không phải bỗng nhiên là có lệnh cấm ấy giữa tình hình dịch bệnh như chảo lửa khi số người chết bắt đầu mất kiểm soát ở các nước như Iran hay Ý. Nhất là Ý, chúng ta đã phải đối mặt hình ảnh đau lòng khi Luca Franzese – diễn viên người Italy – đã đăng tải một clip trên trang cá nhân quay lại cảnh anh bị mắc kẹt trong nhà cùng thi thể người chị đã mất trước đó vì nhiễm Covid-19.
Một châu Âu chỉ quan tâm đến tiền, vô cảm trước những người bị bệnh trước đó vì cho rằng bệnh này không gây chết người cũng đã phải đối mặt với tình hình đáng báo động như hiện tại. Nếu họ đã cảm nhận được nỗi đau của người khác thay vì chỉ quan tâm tới mục tiêu tiền bạc thì mọi sự đã không đến đường cùng như bây giờ.
Từ bao lâu nay họ chỉ xem người có tiền là kẻ nắm thế thượng phong và ngày đêm họ cũng ra sức để kiếm tiền để đứng ở vị trí ấy nên đã tạm quên rằng lợi ích của người khác cũng là lợi ích của chính mình.
Họ quên rằng chỉ khi cuộc sống của những người xung quanh đảm bảo thì cuộc sống của mình được đảm bảo vì họ đâu sống một mình trên ốc đảo không người cơ chứ?
Lúc này đây họ đã thức tỉnh, đã cố gắng vớt vát, cứu mạng sống của mọi người nhưng dường như lại quá sức khi số ca quá nhiều, nước Ý đau đớn khi phải lựa chọn cho ai được nhận ống thở khi mà các thiết bị y tế đã không đủ cung cấp cho hơn 12.000 người bệnh tại thời điểm ngày 12/3/2020.
Những lúc hoảng loạn lại gợi nhắc chúng ta tới bài học của Phật giáo rằng khi chết đi ta chẳng mang theo thứ gì, bao gồm cả tiền bạc, thứ còn lưu lại trên nhân gian đó là tình người. Cuối cùng điều ta cần nhất khi hoạn nạn vẫn là mạng sống của mình vì tiền mất đi rồi sẽ kiếm lại được nếu ta còn mạng sống. Xem thêm: Bí ẩn về Hội Tân thiên địa Hàn Quốc: Cơ hội nào cho việc cầu nguyện để khỏi bệnh?
Việt Nam kiên cường chống chọi từng mầm mống nhỏ
Nếu ở trời Âu thiếu tình người ta lại càng thấy hình ảnh đối lập ở một đất nước Việt Nam nhỏ bé với hình ảnh Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cúi gằm mặt lo lắng, đầy vẻ đau đớn trong cuộc họp trước khi thông báo về bệnh nhân số 17 với toàn dân. Gương mặt ấy đã xạm đi và cơ thể gầy đi vì nhiều ngày không ngủ từ khi dịch bệnh xuất hiện ở Việt Nam.
Hơn ai hết, là một Phật tử, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam biết đau nỗi đau của người khác cũng chính là nỗi đau của mình, người luôn vì hạnh phúc và chăm lo cho đời sống của nhân dân mà cống hiến hết mình.
Ở một thế giới xa xôi, khác hẳn với thế giới đầy màu sắc mà mọi người xem là thiên đường ở trời Âu thì ở một quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé, những người cầm quyền ở đây đang ngày đêm lo lắng cho từng miếng ăn, giấc ngủ của người dân của mình. Nhờ điều đó mà ta đã thắng được dịch bệnh ở giai đoạn đầu và luôn trong tinh thần chiến đấu để thắng những trận sau.
Ở đây, bộ đội vào rừng ăn mì tôm qua ngày, họ không ngại đội mưa, đội gió để nhường chỗ cho những người dân đang cần chỗ để cách ly. Những hình ảnh của họ ở tạm bợ trong rừng khiến ai cũng phải cảm động và thương cho các anh bộ đội chịu thương, chịu khó.
Ở đây, chỉ cần một người có nguy cơ nghi nhiễm là cả một đội quân phun thuốc tẩy trùng khắp nhà và khu phố, chúng ta luôn đề cao phòng hơn chống trong bất cứ trường hợp nào.
Ở đây, từng cá nhân nghi nhiễm đều phải thông báo lại lịch trình một cách đầy đủ nhất để tiện cho việc kiểm soát dịch bệnh. Trong khi thế giới lơ là thì Việt Nam vẫn cần mẫn làm từng việc nhỏ một, vô cùng quyết liệt.
Hình ảnh bộ đội ăn uống khi sống tạm bợ trong rừng để nhường chỗ cho người dân được cư dân mạng chia sẻ |
Đất nước chúng ta vẫn nghèo lắm, vẫn phải thường xuyên nhận viện trợ của nước giàu nhưng qua thời kỳ dịch bệnh ta lại thấy mình giàu có, giàu tình người hơn bất cứ ai khác. Tình cảm ấy còn đáng quý hơn tiền bạc – thứ mà chẳng thể cứu nổi những mạng sống những người vô tội ngoài kia.
Chúng ta luôn biết đau nỗi đau của người khác vì câu tục ngữ “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” đã thấm nhuần trong tư tưởng người Việt từ lâu đời. Và chỉ những ai thức tỉnh bằng ý nghĩ đó thì ta mới mong có được sự an lạc trong tâm hồn.
Thế nhưng tình hình trở nên khó lường hơn khi thế giới xung quanh chúng ta vẫn đang thờ ơ với dịch bệnh và xem như đó chỉ là vấn đề của một cá nhân hay một quốc gia nào đó mà không liên quan tới họ.
Tất nhiên, dù đã kế hoạch cho mọi việc có hoàn hảo tới đâu thì vẫn có những điều đi ngoài kế hoạch, có những cá nhân làm “rầu nồi canh” nhưng điều quan trọng vẫn là cách Việt Nam đã ứng phó vô cùng nhanh chóng. Điều nhỏ bé ấy xuất phát từ cái tâm lớn, biết đau nỗi đau của người khác nên chúng ta không muốn nỗi đau ấy xuất phát từ bất cứ cá nhân nào.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng ta có quyền ỷ lại rằng cứ khó khăn, cứ mắc bệnh là sẽ được cứu chữa nên chẳng có biện pháp an toàn nào cho mình. Để tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho mọi người, đặc biệt cho những người cầm quyền, mỗi cá nhân chúng ta hãy cùng nhau, mỗi người nỗ lực một chút để làm nhẹ sức nặng mà họ đang nỗ lực hỗ trợ chúng ta.