Muốn con giỏi giang mẹ phải là người có nhân cách tốt!
Có câu “Nhìn con sửa đất nhìn cây sửa mình”, vì thế thay vì ép con trở thành ai đó thì bạn có thể là tấm gương về nhân cách để con dễ dàng học tập và noi theo.
1. Giữ sự thơ ngây như một đứa trẻ
Việc này khuyến khích trẻ tư duy độc lập và không dựa dẫm vào mẹ, hơn nữa, bạn cũng đỡ phần nào việc quát tháo vì áp lực “dạy” chúng một điều gì đó, đơn giản là để chúng tự khám phá cuộc sống muôn màu mà thôi.
2. Cố gắng giữ thái độ bình tĩnh
Bạn phải giữ sự bình tĩnh trước mặt các con vì tính cách của mẹ ảnh hưởng đến con rất nhiều. Hãy xem cách đứa lớn hành xử với đứa nhỏ bạn sẽ biết mình đã tạo ra một bản sao như thế nào, chúng thường quát em của mình giống như cách bạn quát chúng phải không nào?
Khi con phạm lỗi, chúng hay có xu hướng quan sát nét mặt của bố mẹ chúng để biết có nên nói dối hay tiếp tục khai thật. Đó là lý do những đứa trẻ hay bị đánh càng có xu hướng nói dối nhiều, dần dần điều này hình thành thói quen xấu và chính phụ huynh đã biến chúng trở thành đứa trẻ hư lúc nào không hay.
Do đó, với vai trò của người mẹ bạn phải giữ bình tĩnh đã trước khi muốn nói điều gì đó với con. Nếu khó kiềm chế bản thân, hãy học cách hít thở sâu, đi rửa mặt để thay đổi trạng thái.
3. Dũng cảm đối diện với thất bại
Mỗi khi bạn thất bại thì bạn sẽ làm gì, phản ứng như thế nào? Hãy thể hiện sự quyết tâm, cứng rắn, không cho phép bản thân chùn bước. Hãy nói ra những lời quyết tâm để con nghe thấy, chúng sẽ học được từ bạn ít nhiều đấy. Do đó đừng thể hiện sự thất vọng não nề hay cố che giấu nỗi buồn của mình.
Bên cạnh đó, khi nào con đối diện với thất bại bạn cũng phải nói lời động viên thay vì trách mắng chúng. Hãy dạy con được thất bại
vì đó là cách bạn cho chúng sức mạnh, đôi cánh bay xa và cao hơn.
Tuy điều này là điều vô cùng khó khăn đối với các bà mẹ, họ thường quá yêu con nên cảm thấy đau đớn khi cảm nhận nỗi đau, nỗi buồn của con. Nhưng hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên, để con tự tìm cách đứng lên, trở nên mạnh mẽ hơn.
4. Nói ngắn gọn, súc tích
Luôn quan sát tâm lý của con vì chúng càng lớn càng biết che giấu cảm xúc của mình, chúng tưởng như vờ không quan tâm nhưng lại rất để ý lời bạn nói. Bảo con làm gì thì bạn cũng chỉ dùng những lời dứt khoát thì con càng nể trọng mẹ, không dám nói dối. Sự im lặng của mẹ đôi khi có giá trị rất lớn vì càng nói không ngừng chúng càng không biết sợ.
5. Nói làm ơn và cảm ơn
Con sẽ quan sát thái độ của bạn mà học theo, chúng sẽ lễ độ hơn khi gặp người khác và trân trọng công ơn của người khác hơn.
6. Hãy là người biết lắng nghe
Trong vai trò của một người mẹ, từ khi con còn bé, bạn nên học cách lắng nghe mọi người và lắng nghe con. Khi lắng nghe mọi người bạn sẽ học hỏi được nhiều điều, còn khi lắng nghe trẻ bạn sẽ trở nên kiên nhẫn, từ tốn hơn để hiểu con cái hơn.
Ví dụ khi chúng đi học về hào hứng khoe thành tích của mình hoặc kể những câu chuyện ở trường, bạn nên nghe con thay vì lảng sang chuyện khác, cho rằng những lời con nói không quan trọng. Hãy nhìn vào mắt con khi nói chuyện với con, để con biết bạn đang thực sự chú ý lắng nghe. Đừng quên hưởng ứng sau khi con kể để cho thấy bạn thực lòng quan tâm.
Con trẻ rất nhạy cảm và điều duy nhất chúng cần là sự quan tâm của bạn. Khi giao tiếp giữa hai mẹ con trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn và bạn tập thói quen lắng nghe thì sau này con trưởng thành, bạn cũng sẽ kiên nhẫn hơn với con, nhất là chúng trải qua giai đoạn “ẩm ương” mới lớn.
7. Thể hiện sự tôn trọng người khác
Nếu không khi bạn thể hiện thái độ trịch thượng thì con cũng thể hiện thái độ tương tự với mọi người. Hãy làm gương cho con bạn về sự tôn trọng qua cách bạn ứng xử hàng ngày với mọi người.
Trẻ con còn nhỏ, chúng chưa có khái niệm đúng sai chỉ biết bắt chước và làm theo. Do đó, chúng thường không nhớ hết những lời bạn dạy nhưng chắc chắn lưu lại hết hình ảnh về hành vi của mẹ, những người gần gũi với chúng nhất, sẽ rất dễ làm cho con ghi nhớ, bắt chước và làm theo.