Khẩu xà tâm Phật – Lời biện minh của những kẻ ích kỷ, thiếu hiểu biết
Lời nói có thể giết người – chớ biện minh là “khẩu xà tâm Phật”
Chúng ta chỉ chỉ trích những kẻ sát nhân nhưng không đủ hiểu rằng những lời nói độc địa cũng âm thầm giết người khác. Đây là sự thật mà rất ít người biết! Khẩu tạo nghiệp là dễ xảy ra nhất, mà cũng là tạo thành nhiều nhất, quả báo kiếp sau sẽ vô cùng thảm thiết.
Có câu: “Khẩu khai thần khí tán. Thiệt động thị phi sanh” nghĩa là cứ mở miệng ra nói nhiều lời sẽ hao tổn thần khí của chính mình vì lưỡi động thường nói chuyện phải trái, hơn thua, đẹp xấu, khen chê… để rồi phải tranh đấu lẫn nhau khiến sanh ra lắm chuyện thương tâm.
Chắc đã có lần bạn nói rằng: “Tôi thẳng thắn nói nhưng chỉ là ‘khẩu xà tâm Phật’ thôi, không có ý gì đâu mà nghĩ nhiều”. Nhưng thực tế, trong lòng người nghe đã nổi lên lòng sân hận chúng ta từ lúc nào.
Đó thực ra là cách chúng ta biện minh cho tội lỗi của mình khi làm tổn thương người khác. Nhất là với người Việt Nam, thay vì khen ngợi, khích lệ thì chúng ta làm điều ngược lại, nhiếc mắng, chửi bới, chê bai,… chỉ để: bớt kiêu ngạo, còn cố gắng thêm. Ta tự cho rằng mình khó tính, khắt khe, không dễ khen ngợi ai vì ta là người hiểu biết?!
Rồi từ đó chúng ta cho mình quyền mặc sức chê bai người khác: “Đồ không chồng mà chửa”, “Sao không chịu đẻ?”, “Kém thế thì làm gì cho đời”, “Xấu thế ai thèm”, “Không có tiền thì đừng bày đặt”…
Phải có ý niệm trong tâm mới có thể nói ra
Chính bạn không để ý tới cảm xúc của người khác, không chịu đặt mình vào hoàn cảnh của họ để hiểu tình hình nên mới có thể dễ dàng buông lời chỉ trích. Thực ra lời nói đó xuất phát từ hiểu biết hạn hẹp, nó chỉ phản ánh chính bạn mà thôi.
Chỉ khi bạn thật lòng suy nghĩ cho người khác, điều bạn nói và điều bạn nghĩ sẽ đồng nhất, lời nói ra cũng dễ nghe. Tóm lại, những lời độc ác sẽ làm tổn thương người nghe, cũng sẽ vạch trần mặt tối trong tâm hồn bạn.
Còn những ai có tâm Phật sẽ không bao giờ nói những lời ác ý vì Phật dạy chúng ta nói điều hay, biết chia sẻ, biết đem niềm vui tới tất cả chúng sinh bất kể họ là ai. Vì ai có thể biết được trong một kiếp nào đó họ từng là thầy, là bố mẹ của chúng ta? Vì thế, việc quan trọng nhất là đối đãi mọi người thật tốt từ ý nghĩa cho đến hành động và lời nói.
Lý tưởng ấp ủ trong tâm trí sẽ tạo nên những hành vi phù hợp với lý tưởng. E. Hubbart |
Tự răn dạy mình tránh khẩu nghiệp
Nuôi dưỡng lòng lương thiện từ sâu bên trong
Để hạn chế “khẩu xà” thì chúng ta phải học cách nuôi dưỡng “tâm Phật”. Vì khi trong lòng toàn là thiện ý thì tự nhiên lời nói ra cũng sẽ êm tai dễ nghe. Xem thêm: Lời Phật dạy về lời sỉ nhục: Lăng mạ người khác bao nhiêu, nghiệp báo nhận lại bấy nhiêu
Hãy tự soi gương và răn dạy bản thân trước thì bạn sẽ chẳng dám nặng lời nói hay chê bai bất cứ ai quanh mình cả. Vì chính bản thân ta cũng đầy sai sót và lỗi lầm, may mắn là được mọi người tha thứ, bao dung và tiếp tục yêu thương chúng ta.
Phước đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phê bình, chỉ trích, nói lời ác… thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan.
Vậy khi tôi bị nhục mạ thì vẫn phải im lặng?
Để thực hiện chữ Nhẫn chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là khi chúng ta bị hiểu nhầm hoặc bị đối xử không như mình mong muốn. Nhẫn thì sẽ có thể xử lý và hóa giải, có thể biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có chuyện gì.
Mặc dù người khác nhục mạ, phỉ báng, hãm hại bạn, cũng vẫn nên dùng thiện tâm để đối đãi, và tự đáy lòng mình cảm ơn họ.
Một câu nói ra khỏi miệng, gây sự tổn thương, thì chính mình là người gánh chịu phần lớn sự tổn thương đó. Nên nhớ rằng, nếu ác ý với người khác, thì người bị hại chỉ chịu 3/10, mà chính chúng ta mới phải gánh chịu phần nhiều 7/10, vì thế, nếu bạn đáp trả lại bằng lời nói không hay thì cuối cùng ta lại cũng chỉ như họ thôi sao?
Thế Minh