Thứ Sáu, 06/03/2020 14:31 (GMT+07)
1. Học khi 20
20 ở đây không chỉ hạn hẹp ở độ tuổi mà nói rộng ra còn là tuổi trẻ, tuổi thanh xuân.
Khi ở độ tuổi này, việc tốt hơn cả, cần ưu tiên hơn hết chính là học tập, rèn luyện, tu dưỡng bản thân.
Học ở ghế nhà trường cho tử tế, khi ra xã hội vẫn không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ năng, chuyên môn. Có như vậy thì việc tốt mới đến tay, khởi nghiệp mới dễ dàng.
Thời điểm này mà chỉ lo “cày game”, chạy theo thần tượng… thì tương lai gần, sẽ chỉ có thể làm việc ở mức thấp, cả đời khó mà giàu sang, phú quý được.
2. Liều khi 30
Đâu đó bạn đã từng nghe câu nói của Khổng Tử rằng: “Tam thập nhi lập”, tức 30 là độ tuổi nên thành gia lập nghiệp.
Đa phần ở độ tuổi này, con cái chưa hẳn đã lớn khôn, cha mẹ thì dần già yếu, đàn ông hay phụ nữ thời nay thân là là trụ cột gia đình, có rất nhiều việc phải làm, thậm chí phải liều lĩnh.
Vì thế, nếu tới 30 tuổi mà vẫn sống làng nhàng, chưa hết mình cho công việc, chưa có tư tưởng “liều mình”, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, vậy thì con cái làm sao được học trường tốt, cha mẹ bị bệnh làm sao có thể tự do rút tiền ra đi chữa trị cho họ được?
Thế nên, nếu bạn đang ở trong độ tuổi băm, nhất định phải “liều” một phen, phải tăng tốc, hết mình cho công việc, hết mình vì lý tưởng bản thân, vì cha mẹ, vì con cái và vì cả chính bản thân mình.
3. Tỉnh khi 40
Có lần Khổng Tử nói với các đệ tử của mình rằng: “tứ thập nhi bất hoặc”. Câu nói này hàm ý rằng, 40 là độ tuổi mà người ta đã trải qua đủ mọi phong ba bão táp, gặp qua vô vàn tình huống éo le, nếm trải không biết bao nhiêu chua ngọt đắng cay.
Lúc này, chúng ta đã trở nên chín chắn rất nhiều. Rất nhiều chuyện đã hiểu rõ ràng, không còn mơ hồ, hoang mang, tâm trí hoàn toàn tỉnh táo.
Đa phần mọi người ở độ tuổi 40 đều đã có những thành tựu nhất định trong sự nghiệp cũng như cuộc sống. Trừ những người không cầu tiến, có chỗ dựa dẫm ra.
Hơn thế, đây cũng là giai đoạn cám dỗ nhiều nhất, cạm bẫy nhiều nhất.
Theo đó, trong độ tuổi này, chúng ta cần phải thật tỉnh táo, biết bỏ thuốc lá rượu bia có hại cho sức khỏe, bỏ sự hiếu thắng gây bất lợi cho sự nghiệp, bỏ sự ham chơi khiến gia đình lo lắng, bỏ tham vọng danh lợi nhất thời để tâm chúng ta dần an định.
Tất cả những thói quen xấu của thời trẻ, phải học cách buông bỏ. Nó không chỉ cho thấy trách nhiệm với bản thân mà còn là trách nhiệm với gia đình.
4. Bỏ khi 50
Khổng Tử có răn “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”. Tức là, người bước vào độ tuổi 50 cái gì cần trải qua cũng đã trải qua rồi, ngộ ra được bản thân mình theo đuổi cái gì, biết rằng nửa đời còn lại của mình nên sống ra sao, có nhân sinh quan, thế giới quan của riêng mình.
Thế nên, 50 tuổi hãy học cách “bỏ”, đừng cưỡng cầu bất cứ điều gì. Thứ không có được không nên quá chấp niệm. Học cách buông bỏ mới có được nhiều hơn.
Sau 50 tuổi, nên bồi dưỡng cho mình một vài sở thích mới, quen một vài người bạn mới, làm phong phú cuộc sống của mình hơn một chút.
5. Buông khi 60
Cổ nhân nói “lục thập nhĩ thuận”, ý muốn nói, người già trải sự đời nhiều, không còn chuyện gì không thuận mắt thuận tai nữa. Lời thế nào cũng nghe được lọt tai, cũng phân biệt được phải trái đúng sai, trắng đen rõ ràng.
Bước vào tuổi 60, học cách buông bỏ, có công việc cũng nên nghỉ hưu rồi, đi làm cũng đã mấy chục năm, việc kiếm tiền cũng nên bỏ xuống rồi.
Lúc này, ở nhà gần gũi hơn với con cháu, nghe lời con cháu một chút, trao quyền lợi lại cho con cái, bao nhiêu khúc mắc, vướng bận cho qua được thì hãy cho qua hết đi! Cả nhà hòa thuận vui vẻ mới là quan trọng nhất.
Học khi 20, Liều khi 30, Tỉnh khi 40, Bỏ khi 50, Buông khi 60, đó chính là thái độ sống mỗi ngày mà ai ai cũng nên làm theo.
Xác định được điều này, chúng ta biết làm những việc phù hợp ở lứa tuổi phù hợp, nỗ lực hết mình khi còn trẻ, già hơn chút rồi cố gắng cho mình có cuộc sống tự do, không phải quỵ lụy con cái, phụ thuộc người khác. Đời như thế cũng được coi là viên mãn lắm rồi.
Những thông tin hữu ích khác dành cho bạn:
Người quá tốt thường mang mệnh khổ: Nghịch lý ở đời nhưng không nhiều người hiểu
Sống ở đời: Biết nhau bởi chữ duyên, quý nhau bởi chữ tình, kính nhau nhờ nhân phẩm
“Mía đâu có ngọt 2 đầu”: Ở đời không có gì là hoàn hảo, hãy thôi lo lắng để sống hạnh phúc mỗi ngày
Học Phật yêu thương theo “từ, bi, hỉ, xả” để tìm được tình yêu lâu bền ở đời
Học Phật cách vượt qua nỗi khổ lớn nhất đời người