Hết so sánh chồng mình với chồng người, ngày nào cũng là ngày vui, đong đầy hạnh phúc
Hay so sánh – tâm lý khó bỏ của phụ nữ
Không thiếu phụ nữ tự ti với chính bản thân mình vì thói quen xấu so sánh cuộc sống của mình với bạn bè xung quanh rồi thậm chí lây lan sang cả việc so sánh chồng tới con cái. Cứ thế họ cứ đẩy mình vào những bức bối không đáng có trong từng ngày qua đi.
So sánh chồng mình với chồng người
Mới đây tôi đọc được câu chuyện một chị nọ trút bầu tâm sự trong một diễn đàn rằng, chị chán nản vô cùng vì chồng quá hiền, mỗi tháng đưa tiền về đều đặn nhưng không có chí tiển thủ, không có ý chí để làm ăn lớn. Sau bao năm kết hôn cả hai vợ chồng không tích lũy được bao nhiêu, chẳng biết bao giờ mới mua được nhà, điều đó làm cô chán nản vô cùng.
Đây là tâm lý chung của không ít phụ nữ “nhàn cư vi bất thiện” đi so sánh ông chồng “bình thường” của mình với các ông chồng “đột biến” được rêu rao trên mạng xã hội.
Mạng xã hội ngày nay hay thổi phồng những chuyện như: ông chồng chuyển 600 triệu mừng vợ vượt cạn, tặng siêu xe trong ngày sinh nhật vợ, tặng vợ biệt thự triệu đô… Thực ra chuyện đó tuy hiếm nhưng đủ làm dấy lên sự so sánh trong lòng những người phụ nữ hay mơ mộng và thậm chí là có suy nghĩ viển vông.
Ví dụ một số cô gái được xem là influencer nổi tiếng kiếm tiền rất giỏi nhưng lấy chồng khá bình thường, mua sắm gì cũng phải tính toán, cân nhắc, ưu tiên việc tiết kiệm, có lúc chính cô cũng cảm thấy bực mình.
Không ít người sẽ đặt câu hỏi, tại sao họ giỏi và xinh vậy sao không kiếm đại gia mà lấy người đàn ông không có gì? Những câu nói vô tình đó khiến người trong cuộc cũng cảm thấy chạnh lòng vì cô gái nào cũng mong mình lấy được ông chồng hoàn hảo có cả tình yêu lẫn tiền bạc, thế nhưng cuối cùng ai cũng phải đối mặt với sự thật trước mắt mình mà thôi, không có người đàn ông hoàn hảo như vậy tồn tại. Vì thế, hãy bỏ ngay tâm lý so sánh đang hành hạ suy nghĩ chúng ta, làm phương hại đến hạnh phúc đang hiện hữu.
Một hệ lụy khác khi bạn cứ so sánh chồng mình mãi, đó là trong bạn sẽ xuất hiện suy nghĩ mình xứng với người tốt hơn, thay vì dành thời gian chia sẻ, tâm sự với bạn đời thì bạn tỏ ra hằn học hoặc ngồi đó lắc đầu ngao ngán và ước ao.
Tự hỏi điều bạn muốn chồng có nhiều tiền, yêu chiều, quan tâm tới mình là đạt mục đích gì? Có phải cuối cùng vẫn là có được HẠNH PHÚC? Vậy tại sao phải đợi, hạnh phúc đơn giản từ những thứ bạn không nghĩ tới, tại sao không hạnh phúc ngay từ lúc này, từ một người tuy không nhiều tiền nhưng dành cho bạn tấm chân tình như hiện tại.
Với ông chồng vẫn là “trẻ con” thì chẳng nói làm gì, có thể đó là lựa chọn thiếu khôn ngoan của bạn, nhưng chồng bạn chính là người đã mang lại cho bạn cảm giác an toàn, ấm áp từ lúc mới yêu trong khi đó bạn đã không chọn những kẻ hào nhoáng, bóng bẩy ngoài kia vì cảm thấy họ giả tạo. Đến giờ, chồng bạn vẫn vậy, họ đang chuyên tâm cùng bạn chăm sóc cho gia đình thì họ chẳng có lỗi gì cả. Đừng viện cớ rằng họ “bất tài” mà xem thường rồi mang tâm lý so sánh ra để làm tổn thương đối phương, đánh mất cả hạnh phúc mà mình đang có.
So sánh con mình với con người khác
Tâm lý so sánh cũng xuất phát từ lòng tham, sự thiếu tự tin sâu bên trong mỗi chúng ta và tìm cách thoái thác trách nhiệm, muốn đẩy tác nhân là do người khác. Thế nên các cô hết so sánh chồng lại so sánh sang con cái, khi chúng còn nhỏ thì “đọ” cân nặng, chiều cao, kén ăn… rồi sinh ra muộn phiền mà không hề hay biết mỗi đứa trẻ có mức độ phát triển hoàn toàn khác nhau.
Đến lúc chúng trưởng thành lại bắt đầu so sánh kết quả học tập của bọn trẻ, tại sao học cùng lớp mà đứa kia giỏi và ngoan còn con mình lại kém và nghịch ngợm? Bạn đâu biết thức con bạn cần đó là tình yêu và sự động viên của bạn, lúc đó tự khắc chúng sẽ biết cách trở thành đứa trẻ ngoan hơn, còn càng chê bai, chúng lại càng chán nản, đình trệ trong cuộc sống.
Từ sự không hiểu biết, ta lại ép con, ép bản thân, cảm thấy áp lực từ những nhận xét của người ngoài. Vì thế, để có thể sống vui bạn không những không so sánh chồng mà cũng phải ngừng ngay việc so sánh con mình với con người khác ngay lập tức.
Mải đi so sánh nên ta không hiểu rằng, ngay cả chính mình cũng còn quá nhiều khiếm khuyết, sao lại đòi hỏi chồng hay con mình phải hoàn hảo?
Hãy thử nghĩ xem, nếu các con có cũng tâm so sánh và nói với bạn rằng: “Tại sao mẹ không giàu có như nhà bạn A, bạn B để cho con cuộc sống sung sướng hơn” thì liệu bạn có cảm thấy chạnh lòng?
Mỗi người có một khả năng nhất định
Ta bận tâm quá nhiều đến việc ông chồng mình có được như những ông chồng khác, rồi hạ bệ, nhiếc móc về những gì mà ta không hài lòng, những điều mà ta không ưa, nhưng nếu bạn đưa chuyện của mình để hỏi một người bạn đang buồn vì bị chồng phản bội họ sẽ mắng bạn: “Có phúc mà không biết hưởng”.
Thế nên mới có chuyện nhiều phụ nữ tài giỏi, tham vọng nên việc kiếm tiền rất dễ nhưng lại chán nản với ông chồng bất tài chỉ “tốn thời gian với cái bếp”, đưa đón con đi học.
Thực tế là một người đàn ông xem gia đình mình là nhất thì họ vẫn rất muốn tìm cách để cho vợ con có cuộc sống sung túc, thế nhưng không phải ai cũng đủ khả năng kiếm tiền giỏi. Thay vì khuyến khích bạn lại chỉ khiến họ nản chí thêm thì lỗi này ở bạn chứ không còn ở chồng bạn nữa rồi.
Hơn nữa, việc kinh doanh mỗi người có “lộc làm ăn” khác nhau vì thế đừng so sánh với mình với bất cứ ai, còn hơn là gặp phải đức ông chồng không chịu làm việc nhà, cũng không hiểu thực lực của mình lại mang tiền đi làm ăn và mất sạch, đẩy cả gia đình tới cảnh túng quẫn.