Thứ Tư, 01/09/2021 09:36 (GMT+07)
Câu chuyện Chu Thừa Ân cứu người trong lúc nguy cấp
Chu Thừa Ân là một thương nhân giàu có, nhân hậu trong vùng. Có lần ông đi dạo gần nhà thì bỗng nghe những tiếng khóc lóc rất thê thảm ở dưới chân cầu.
Ông hỏi chuyện mới biết được gia đình gồm hai vợ chồng và một người con đang khóc lóc vì sợ hãi. Họ quá nghèo không đủ tiền trả món nợ trước đây. Chủ nợ hôm nay thuê bọn lưu manh đến để đòi, quyết không tha mạng cho cả nhà nếu họ không có đủ tiền.
Cả gia đình đã đến đây để tự tử và họ ôm nhau lần cuối trước khi gieo mình xuống cầu. Chứng kiến hoàn cảnh đáng thương đó, Chu Thừa Ân động lòng trắc ẩn nên bảo họ rằng:
– Thôi, anh chị đừng quá đau buồn nữa, tôi xin trả món nợ đó giúp anh chị.
Chu Thừa Ân theo họ cùng đi về nhà đã thấy rất nhiều tên lưu manh đang ngồi chờ sẵn. Ông bước vào không tỏ vẻ sợ hãi mà ôn tồn hỏi:
– Gia đình này thiếu nợ quý vị nhiều hay ít?
Một tên trong bọn đáp:
– Đúng 100 lạng bạc, không thiếu một xu.
Chu Thừa Ân liền lấy ngân phiếu 100 lạng bạc đưa cho bọn lưu manh. Sau khi bọn chúng đi rồi, hai vợ chồng kia mới cầu xin Chu Thừa Ân cho họ được làm tôi tớ để đền đáp lại ân cứu mạng, nhưng ông bảo họ:
– Đời người khi sanh ra chỉ hai bàn tay trắng, đến khi chết đi cũng chẳng mang được gì cả. Anh chị đừng có bận lòng, bây giờ tôi giúp anh chị, có lẽ đó là kiếp trước tôi đã mắc nợ anh chị nên kiếp này phải trả, vậy thôi.
Nói xong ông cười ha hả rồi cáo từ.
Tấm lòng từ bi cứu người trong lúc nguy cấp của Chu Thừa Ân thật đáng kính nể. Chính nhờ phước báo này mà về sau ông được trường thọ, con cháu trong năm đời đều được hưởng giàu sang phú quý.
Bài học: Trong xã hội này ai cũng tham lam, ích kỷ muốn vơ vét của cải, vun vén lợi ích về mình nên không phải ai cũng sẵn sàng dùng tiền bạc, của cải để đi giúp người, giúp đời. Những việc làm ấy chỉ xuất phát từ tấm lòng lương thiện, chân thật của một người hiểu đạo nghĩa.
Chính hành động giúp người trong lúc nguy cấp của Chu Thừa Ân đã giúp ông không chỉ tự cải thiện vận mệnh của mình mà còn mang lại lợi lộc cho con cháu sau này.
Cứu người có phải lo chuyện bao đồng?
Gần đây chúng ta thường hay lên án những người lạnh lùng trước sự nguy cấp của người khác, hoặc thấy chết mà không cứu. Có thể vì chúng ta “quá bận” tới mức không thể quan tâm tới mọi người. Hay lòng tốt của chúng ta đã bị mai một từ lúc nào?
Thế nhưng, lúc dịch bệnh đang hoành hoành rất đáng sợ trong thời gian qua, may thay ta lại tìm được ánh sáng lấp lánh của tình người ấm áp. Không ít lần chúng ta được chứng kiến vô số tấm gương tuyệt vời của những người đang ngày đêm đi cứu người, đảm bảo an toàn cho chúng ta ở nhà.
Những vị bác sĩ, y tá, tình nguyện viên chấp nhận rủi ro, phải xa nhà để đi giúp đỡ những người bệnh. Không những thế, đông đảo mạnh thường quân trên cả nước cùng đồng sức đồng lòng cứu trợ những người dân gặp khó khăn từ gói mỳ tôm, bó rau, bữa cơm,… khi dịch bệnh kéo dài nhiều tháng qua.
Những tấm gương như người F0 từng khỏi bệnh ôm bình oxy đi từng nhà để cứu người bệnh, hay việc công an đỡ đẻ cho sản phụ, cho tiền người dân nghèo về quê,… khiến chúng ta không khỏi xúc động.
Người ta bảo họ “hay lo chuyện bao đồng”, nhưng những người ấy mới là người duy trì ngọn lửa tình người tưởng như đã nguội lạnh từ lâu. Nếu không có những người như họ thì nguy cơ bệnh còn bùng phát khủng khiếp hơn thế và lúc đấy chính họ, người thân của họ hay chính mỗi chúng ta cũng khó tránh khỏi nguy cơ bị lây nhiễm. Vì thế họ cứu người khác cũng là tự cứu mình.
Hơn nữa, những người tưởng như đang “lo chuyện bao đồng ấy” không vì cách nhìn của người khác mà dễ dàng thay đổi bản tính của mình. Họ vui với việc mình đang làm dẫu có phải chịu nhiều cơ cực, vất vả, đắng cay.
Trong xã hội coi trọng của cải tiền bạc ngày nay, để tìm được một người thắp sáng lương tri thực sự là khó. Nhưng chính giữa những cám dỗ vật chất ấy, nếu như ai có thể vượt qua được tất cả là người có phẩm chất cao quý.
Người phương Đông có câu: “Người ta sinh ra một thiện niệm, tuy chưa biến thành việc thiện, nhưng đã được thần may mắn bảo hộ rồi”. Theo đó, cho dù họ có phải chịu thiệt thòi trước mắt thì cuối cùng cũng sẽ nhận được phúc báo lâu dài. Cách thay đổi vận mệnh bằng làm việc thiện là một trong những cách mà người xưa luôn khuyên chúng ta tin và làm theo.
Theo luật nhân quả, tất cả những việc làm lương thiện của bạn rồi cuối cùng cũng sẽ quay trở lại với bạn. Quý nhân không phải ở đâu xa mà được ẩn giấu ngay trong từng việc ta làm, cách ta suy nghĩ.
Vì thế, hãy luôn đối xử tốt với mọi người, giúp đỡ họ khi có thể vì cho dù họ không mong cầu nhận được hồi báo nhưng cuối cùng vẫn nhận được hồi báo không tưởng. Đó không phải là sự ngẫu nhiên mà đó là quy luật tự nhiên của cuộc sống.
Chuyện kể lại rằng, có một thương nhân Vương Chí Nhân, dù đã lập gia đình, tuổi ngoài 30 tuổi nhưng vẫn chưa có con, thầy tướng số còn căn dặn anh rằng: “Tháng mười năm nay anh sẽ gặp phải một tai họa lớn nguy hiểm đến tính mạng. Anh nhất định phải cẩn thận đề phòng thì may ra mới thoát được”.
Tin tưởng lời thầy phán, Vương Chí Nhân liền thu gom mọi khoản đầu tư buôn bán và thuê một căn nhà ở Tô Châu để sống tạm nhằm tránh đại nạn.
Một đêm nọ, Vương Chí Nhân ra ngoài đi dạo, vô tình thấy một phụ nữ nhảy xuống sông tự tử. Ông hô lên rằng: “Ở đây có một phụ nữ bị ngã xuống nước, ai cứu được cô ấy sẽ được thưởng 10 lượng bạc!”.
Những người chèo thuyền nghe thấy, nhanh chóng chèo ra sông để cứu người phụ nữ đó. Nhờ thế mà cô được sống sót và kể lại sự tình oan ức của mình cho ông hay. Chuyện là cô buôn bán nhưng bị lừa nên sợ chồng trách mắng vì làm mất sạch tiền của gia đình, muốn tìm đến cái chết để không còn bị chồng nghi ngờ nữa.
Sau khi nghe chuyện, Vương Chí Nhân vô cùng thương cảm, không ngần ngại lấy ra số tiền tương ứng đưa cho người phụ nữ kia. Cô cảm ơn và mang số tiền ấy trở về nhà nhưng người chồng vẫn không tin có người tốt như ông, nên hai vợ chồng cùng tới chỗ ở của Vương Chí Nhân để xác nhận sự việc.
Đúng lúc Chí Nhân đang nằm ngủ nghe tiếng cô gọi cửa ông không dám mở. Người chồng nghe xong câu nói của Vương Chí Nhân thì mọi nghi ngờ trong lòng đều tan biến mất.
Anh ta lên tiếng: “Tiên sinh đúng là một bậc chính nhân quân tử. Xin tiên sinh đừng hiểu lầm, hai vợ chồng chúng tôi cùng đến đây để cám ơn”.
Vương Chí Nhân nghe xong, nhanh chóng thay quần áo để ra tiếp đón khách. Không ngờ, ngay khi anh ta vừa mở cửa bước ra thì bức tường ở phòng ngủ bất ngờ đổ sập xuống, chiếc giường ban nãy ông vừa nằm cũng bị sập theo.
Chí Nhân biết rõ mình đã thoát được kiếp nạn nhờ hành động cứu người trong lúc nguy cấp, ông liền gói ghém đồ đạc trở về quê, gặp lại vị thầy tướng số. Vị thầy lúc này vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy Vương Chí Nhân, ông nói: “Mấy tháng không gặp, mà tướng mạo của cậu đã hoàn toàn cải biến.
Cậu đã được thay da đổi thịt rồi, nét âm đức đột nhiên xuất hiện đầy cả khuôn mặt. Tôi đoán rằng nhất định cậu đã làm một việc đại thiện là cứu mạng người. Với tướng mạo của cậu bây giờ, cậu sẽ có hậu phúc lớn!”.
Về sau, vợ của Vương Chí Nhân đã lần lượt sinh hạ được 11 người con, mỗi người con đều rất hiếu lễ và có đức. Vương Chí Nhân cũng sống đến 96 tuổi, đồng thời ông luôn hạnh phúc và khỏe mạnh trong suốt cuộc đời.
Người xưa răn: Phải biết giữ hòa khí để trăm cái phúc tự đến
Học cách người xưa để biết nên làm gì khi sa cơ lỡ vận