để nhắc nhở con cháu mình biết rằng một việc khi đi đến cực độ tới giới hạn thì tức khắc sẽ đổi chiều. Vì thế thấy phúc đừng mừng quá, thấy họa đừng vội buồn vì khi đó cũng là lúc vận mệnh cũng bắt đầu đổi khác.
Do đó, nếu bản thân đang gặp nghịch cảnh thì tin rằng đó là cơ hội để rèn luyện bản thân, chuẩn bị thoát xác, đổi đời. Ngược lại, khi đang trên đỉnh vinh quang cũng đừng vội hả hê, sung sướng vì chỉ cần chút sẩy chân là ta có thể mất trắng.
Chuyện về người sư phụ và ngôi chùa bị cháy
Chuyện kể lại rằng một ngôi chùa bỗng nhiên bị cháy, vị sư trụ trì dù không hiểu nguyên nhân gì nhưng vẫn tỏ ra vô cùng trầm tĩnh, không một chút hoang mang, lo lắng.
Có người đứng gần thầy bắt đầu xì xào bàn tán:
– Nhân quả là đây chứ đâu, chắc là làm mích lòng ai nên người ta mới đốt chùa chứ gì?
Thế nhưng vị sư trụ trì chùa chỉ đứng im lặng không cố gắng đứng ra phân bua. Ngay lúc này, một chú Sadi lại hỏi thầy mình:
– Thưa thầy, vậy là do nhân quả gì mà chùa ta lâm vào cảnh khổ, chùa bị đốt, người đi ngang qua buông lời không hay?
Vị này chỉ nhìn chú tiểu mỉm cười và nói:
– Con cứ chờ xem
Chú Sadi càng tò mò thêm nhưng cậu cũng không được trả lời một cách cụ thể. Cho đến nửa năm sau, ngôi chùa lại được xây lại mới hơn nhờ sự đóng góp của rất nhiều Phật tử phát tâm cúng dường.
Khi đó chú Sadi nhìn ngôi chùa mới và vô cùng hân hoan, như chợt hiểu ra điều gì đó, chú Sadi lại đến chỗ vị Sư và hỏi:
– Kính Thầy, phải chăng Thầy kêu con chờ để xem điều này?
Vị ấy vẫn giữ thái độ thản nhiên nhìn ngôi chùa, mỉm cười và nói:
– Con cứ chờ xem
Khoảng ba năm sau, chú tiểu ngày nào nay đã lớn khôn và chứng kiến sự thay đổi không ngừng của ngôi chùa, nhưng chú vẫn chưa hiểu điều mà sư thầy nói cậu phải chờ xem là điều gì.
Một lần nữa chú Sadi ngày nào đến chỗ vị sư và hỏi:
– Thưa Thầy, con vẫn chưa biết nên chờ xem điều gì ạ?
Vị sư trụ trì lúc này không nhìn ngôi chùa, không nhìn chú Sadi mà chỉ nhắm mắt đáp rằng:
– Con đã thấy hết rồi, còn hỏi ta điều gì.
Chú Sadi chớt nhớ lại tất cả, từ những lời bàn tán không hay vì chùa bị cháy cho đến khi người ta hỗ trợ xây chùa mới, ai cũng khen chùa đẹp, nay chùa đã hơi cũ người lại đến vì lòng thành. Nhưng dường như trong hoàn cảnh nào sư phụ vẫn là điềm nhiên như thế, khen hay chê cũng thản nhiên như vậy.
Chú Sadi chợt ngộ ra lời thầy, chẳng phải là chờ đợi mà cứ thản nhiên để mọi thứ diễn ra theo quy luật của nó vì cuộc đời này cực thịnh tất suy.
Chú đảnh lễ vị Sư Phụ đáng kính! Và chú hiểu ra rằng đời người dẫu có muôn ngàn sóng gió, suy cho cùng cũng chỉ là trường tu dưỡng cho bản thân.
Hiểu về cực thịnh tất suy có tác dụng gì
Hãy thử nhìn về quá khứ để thấy những nền văn minh vĩ đại đến mấy cũng có khi suy tàn theo tự nhiên hoặc là chúng tự kết liễu mình, chẳng hạn như Đế chế Ba Tư thứ thất cũng từng huy hoàng rực rỡ, hay Đế chế La Mã là đế chế tinh hoa tiêu biểu cho thế giới phương Tây… nhưng nay cũng đã tàn lụi và chỉ còn là đống tàn tích.
Hay như đống phế tích của người Maya, nay chúng bị lãng quên, trở thành tàn tích cho du khách sau này tới thăm, đã là bằng chứng lịch sử hùng hồn nhất cho chúng ta thấy rằng “cái gì cũng có thời của nó”.
Áp dụng vào cuộc sống để ta thấy rằng việc làm ăn của chúng ta cũng có khi rực rỡ và sẽ có ngày lụi tàn, chứng khoán cũng có ngày lập đỉnh và rớt xuống đáy,… vì thế khi đang thịnh vượng thì phải tìm các biện pháp phòng thân cho những lúc suy. Hoặc trong lúc khó khăn đừng nản chí, hãy tiếp tục cải thiện để tìm cách tiến lên.
Ví dụ trong việc kinh doanh, làm ăn, đừng vội thấy làm ăn đang lên mà vội vàng hùn hết tiền bạc để mong thắng lớn vì dễ có ngày ta sẽ trắng tay. Người nghệ sĩ cũng vậy, nay ta được trọng dụng, thán phục hết lời thì ngày mai cũng có thể chính những kẻ đó đẩy ta xuống bùn đất.
Vì thế, việc thịnh hay suy là điều tất yếu xảy ra như một quy luật tự nhiên vậy. Nếu gặp vận thịnh thì tranh thủ khai thác thuận lợi. Nếu gặp vận suy thì thủ thường hoặc dùng biện pháp phòng ngừa hợp lý để giảm bớt rủi ro.
Hơn nữa, thịnh suy nào cũng không quan trọng bằng nội tâm ta có dính mắc hay không, vì dính mắc đó là nguồn gốc luân hồi.
Do đó, ta hiểu được điều này cần phải được cân bằng thì cuộc sống không bồng bềnh trôi nổi theo những thăng trầm theo nó, dù trong hoàn cảnh nào cũng cố gắng tập trung phát huy hết khả năng tiềm ẩn trong mình.
Vì vậy, người hiểu biết là người giữ được sự tĩnh tâm bất kể thuận lợi hay khó khăn, dù nghèo khó hay giàu sang, vinh quang hay tầm thường,… Tất cả những xoay chuyển của cuộc đời không thể làm khó được họ.