Thứ Năm, 24/09/2020 15:39 (GMT+07)
Tấm gương kỷ luật từ những người thành công
Đúng là sự tự do sẽ mang tới cho chúng ta sức sáng tạo không ngừng thế nhưng quá tự do có thể là mối họa khi ta cứ thả mình trôi vô định, không biết đâu là mục tiêu cuộc sống.
Bản thân mỗi người không thể nào thành hình những thói quen tốt đó mà không kiểm soát những hành vi của mình trong khuôn khổ kỷ luật. Không phải ngẫu nhiên mà Jim Rohn khẳng định: “Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu”, còn tác giả Cha giàu cha nghèo Robert Kiyosaki khẳng định: “Sự tự tin bắt nguồn từ kỷ luật và rèn luyện”.
Vì thế, những người thành công trong xã hội thường là những người rất kỷ luật vì đó là công cụ tuyệt vời giúp họ thực hiện được ước mơ.
Tỷ phủ Lý Gia Thành luôn cố gắng giữ thói quen xem truyền hình bằng tiếng Anh để vừa luyện ngoại ngữ và vừa để học hỏi thêm, tránh việc bản thân lạc hậu với sự phát triển nhanh của công nghệ, sự thay đổi chóng mặt của cuộc sống trẻ. Ông cũng không quên thói quen đọc sách mỗi ngày trước khi đi ngủ.
Trong khi đó, tỷ phú Bill Gates là người luôn giữ kỷ luật trong thói quen đọc sách của mình, ông kiên trì mỗi tuần đọc xong ít nhất hai cuốn sách bất kể là có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa trong suốt mấy chục năm qua.
Bill Gates cũng đề ra cho bản thân “Think Week (Tuần suy nghĩ)”, lúc đó, ông sẽ một mình đi đến một nơi bí mật, không tiếp xúc với thế giới, không gia đình, không bạn bè trong một tuần. Chỉ có ông với những chiếc bánh Sandwish, bình nước ngọt và những suy nghĩ rõ ràng trong đầu.
Tỷ phú Michael Bloomberg duy trì cho mình thói quen kỷ luật đó là luôn có mặt tại công ty sớm hơn 30 phút và về trễ hơn 30 phút so với những đồng nghiệp khác.
Nhà đầu tư tài ba Warren Buffett rất tuân thủ kỷ luật và cho rằng điều mang đến sự khác biệt của những nhà đầu tư thành công đó chính là tính kỷ luật trong việc loại bỏ những yếu tố ảnh hưởng bên ngoài và tập trung gắn bó với phương pháp đầu tư của mình.
Donald Trump cho biết bản thân muốn mình là tấm gương cho bọn trẻ và công ty: “Các con tôi chứng kiến hằng ngày tôi đã làm việc vất vả, kỷ luật như thế nào và cách làm việc đó thể hiện ngay từ những năm đầu đời của các con tôi. May mắn cho tôi là bọn trẻ đều yêu công việc của chúng và rất có kỷ luật. Tôi chắc chắn là chúng lựa chọn được làm việc cùng tôi – tôi không muốn chúng làm như thế nếu chúng không say mê những gì chúng đang làm.”
Nhà văn Nhật Bản nổi tiếng Haruki Murakami, tác giả của những cuốn sách best seller, bắt đầu viết từ năm 30 tuổi, đến nay ông sở hữu vô số những tác phẩm để đời trong suốt 40 năm cầm bút. Ông từng tiết lộ thói quen của mình đó là chỉ viết 4.000 từ mỗi ngày, 400 từ một trang, và khi viết được 10 trang thì dừng lại.
Haruki Murakami tâm sự: “Khi đang viết dở một cuốn tiểu thuyết, tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng và làm việc liên tục từ 5 – 6 giờ. Buổi chiều, tôi chạy bộ khoảng 10 km, bơi 1500m hoặc cả hai. Sau đó tôi đọc một chút và nghe nhạc. Tôi đi ngủ vào lúc 21 giờ. Tôi giữ thói quen này mỗi ngày mà không cần thay đổi”.
Hành trình để có thói quen kỷ luật cũng nhiều thương đau
Qua những tấm gương tuyệt vời trên ta có thể thấy, thói quen kỷ luật bản thân giúp họ giúp giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Những người tự giác kỉ luật tới cực hạn như họ, đều có một cuộc sống ý nghĩa và vô cùng tuyệt vời.
Thực tế, một người thiếu đi sự kỉ luật bản thân sẽ thường chịu ảnh hưởng của quán tính và cảm hứng nhất thời, hoặc không thì cũng bị tư tưởng người khác lay động, hầu như không thể đi làm điều mà mình thực sự mong muốn.
Vì thế, trước khi muốn bắt đầu một mói quen thì phải có “tư duy tự giác kỷ luật” vì đó vốn dĩ là một chuyện rất khó khăn, bởi lẽ việc này đồng nghĩa với việc đấu tranh lại với những cái bản năng, cái sẵn có như lười biếng, ham ăn, tham lam hay tức giận…
Vì vậy, phải tự ta nhận thức rằng tự giác kỷ luật trước giờ vốn dĩ vẫn luôn là một chuyện vô cùng khó khăn nên nếu có đối mặt với nó thì ta không sợ hãi mà phải dũng cảm đối mặt và bước qua.
Các nhà tâm lý học từng tổng kết ra được quy luật như sau: Giai đoạn đầu của tự giác kỉ luật là hưng phấn, giai đoạn giữa là nỗi đau và giai đoạn sau là hưởng thụ.
Điều này có nghĩa là khi sự hào hứng của việc thực hành điều mới vừa qua đi thì chúng ta lại không thể thoát khỏi giai đoạn “nỗi đau”. Sẽ có lúc ta không thể thoát khỏi chúng khi cảm thấy đó quả là một cực hình khi bạn “vỡ mộng” nhận ra mọi thứ gian nan hơn bạn nghĩ.
Bởi lẽ việc kỷ luật bản thân sẽ đồng nghĩa với việc bạn bắt buộc phải từ bỏ, không thể muốn cái gì là được cái nấy. Khi bạn bị cảm xúc, lười biếng và những ham muốn dụ dỗ, bạn có thể sẽ sống trong sự rối loạn, sống trong sự cảm tính và thậm chí không thể kiểm soát được cuộc sống của chính mình. Chính vì thế sự tự kỷ luật phụ thuộc rất nhiều vào sự can đảm.
Muốn thực hiện sự tự kỷ luật bạn không đơn giản làm theo hướng dẫn là viết ra mục tiêu và giá trị của bản thân ra giấy, mà bạn cần phải có sự cam kết bên trong chính bản thân đối với những điều đó. Nếu không, khi chuông báo thức reo thì bạn sẽ bấm nút tắt và nghĩ ngủ thêm chút nữa thôi. Hoặc khi nhiệt huyết và tinh thần ban đầu đã đi xuống, bạn sẽ thấy rất khó khăn để hoàn thành đến cuối kế hoạch của mình.
Nếu bạn đang giằng co với sự cam kết, hãy quả quyết rằng bạn cần theo đuổi những gì mình đã nói là sẽ làm – bao gồm lúc bạn nói như thế và cách mà bạn đã cam kết.
Đừng giả vờ việc gì đó là dễ dàng đối với bạn trong khi thực tế nó rất khó khăn và gian khổ. Thay vào đó, hãy tìm kiếm lòng can đảm để đối mặt với khó chịu và mệt mỏi. Hãy bồi đắp dần bởi những chiến thắng bản thân nhỏ nhặt, sự tự tin của bạn sẽ lớn mạnh hơn và lòng can đảm để có được thói quen kỷ luật bản thân sẽ đến dễ dàng hơn.
Nhưng thành quả sẽ rất rực rỡ
Bạn cũng như mọi người khi nhìn thấy ai đó thành công ta chỉ tin rằng họ gặp may, có cơ hội hơn người khác. Hoặc nếu có thì là khen họ tài năng, linh hoạt quảng giao, mà đâu biết đến những khoảng thời gian khổ công học hỏi, rèn giũa bản thân mà họ từng trải qua.
Những thứ tốt đẹp không bỗng dưng mà đến, nó thường được theo sau bởi vô số những ngày đêm kiên trì và cống hiến, mới có thể đạt được một trình độ nhất định của kỹ năng. Nhưng hãy tin đi, khi bạn làm được, bạn sẽ phát hiện ra: tự giác kỉ luật có thể đem lại sự thanh bình và hưởng thụ xuất phát từ tận sâu bên trong.
Tại sao những người giàu có bậc nhất như Bill Gates hay Warren Buffett ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng chưa có một ngày nào họ quên việc kỷ luật bản thân. Nếu bạn từng đặt ra câu hỏi làm gì để thành công thì bạn có được câu trả lời rồi đó, hãy học thói quen của họ, ít nhất là thói quen kỷ luật với chính mình.
Hãy dám kỷ luật bản thân bởi lẽ bạn biết, bản thân đang thay đổi từng ngày từng ngày, và tự giác kỉ luật từ lúc nào cũng đã trở thành một thói quen thấm sâu vào máu thịt không hay và lúc đó là lúc khó khăn đã qua đi tự bao giờ.
Điều tuyệt vời của thói quen kỷ luật mà họ rèn giũa được không chỉ là thành công mà mọi người nhìn thấy mà còn là sự tự hào về bản thân. Có thể nói, một khi con người có kỷ luật tự giác cao, họ sẽ có đủ khả năng kiểm soát cuộc sống của chính mình và bạn sẽ dễ dàng tìm thấy hạnh phúc từ bên trong chứ không cần ai trao tặng cả.
Khi bạn đủ “nghiêm khắc” đối với chính bản thân, thế gian chẳng có gì có thể làm khó bạn. Con người, cần trải qua những lần kỷ luật tự giác, dần dần sẽ tạo ra một bản thân tốt hơn.
Sự kỷ luật lại chính là sự tự do để bạn có được một cuộc sống rất năng động và rực rỡ. Chỉ cần thực hành một thói quen lỷ luật thành công, bất cứ khi nào đối mặt với khó khăn trong cuộc sống và muốn thỏa hiệp, bạn sẽ nhớ về lại điều mình đã làm được trước đây và nghĩ về lúc trước đã kiên trì như thế nào. Sau đó, bạn có thể đem tinh thần ấy vào thực hành tất cả các khía cạnh của cuộc sống để mọi thứ trở nên thuận lợi hơn, thành công hơn, giàu có hơn.
Câu chuyện cuộc sống cho thấy có bệnh mới chữa thì đã quá muộn màng
Bất ngờ về cách tư duy độc lạ, khó lường của người Do Thái
Nghệ thuật sống của người thông minh: 9 kiểu người nhìn qua tưởng ngốc dại nhưng lại khôn khéo nhất!