Luật sư trả lời:
Theo dữ liệu bạn đưa ra thì “ba tôi vừa qua đời và muốn thừa kế lại cho ông nội tôi đứng tên” có nghĩa khi ba bạn mất ba bạn chưa lập di chúc, đây chỉ là ý nguyện hoặc là di chúc miệng của ba bạn.
Điều 629 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 629. Di chúc miệng
1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.”
Như vậy, theo quy định pháp luật trên thì nếu ba bạn lập di chúc miệng thì sau 03 tháng ba bạn vẫn còn sống, minh mẫn thì di chúc đương nhiên bị hủy bỏ. Nếu ba bạn mất trong thời hạn 03 tháng thì di chúc bằng miệng sẽ hợp pháp khi:
– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
– Di chúc được lập trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Khi di chúc miệng hợp pháp thì mọi người phải có trách nhiệm tuân theo theo quy định tại Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên bạn cần phải lưu ý có một số trường hợp những người không được chỉ định thừa kế trong di chúc thì họ vẫn có quyền thừa kế, cụ thể Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 cụ thể:
“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”
Nếu di chúc miệng của ba bạn để lại không đáp ứng điều kiện nêu trên thì di chúc được coi là không hợp pháp. Trong trường hợp này di sản mà ba bạn để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật, cụ thể tại chương XXIII Bộ luật Dân sự năm 2015. Nếu những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đồng ý để ông bạn là người được hưởng di sản thừa kế thì những người đồng thừa kế cần phải thực hiện thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế, cụ thể Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 620. Từ chối nhận di sản
1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”
>> Xem thêm: Dịch vụ luật sư tư vấn soạn thảo, xác lập di chúc và phân chia tài sản thừa kế theo quy định của pháp luật
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: đẹp không tưởng để được giải đáp.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Đất đai – Công ty luật Minh Khuê
>> Xem thêm: Thủ tục nhận chuyển nhượng nhà chung cư đã có sổ đỏ năm 2020 ?