Thứ Ba, 28/08/2018 10:17 (GMT+07)
Phàm làm người ai chẳng có thiếu sót, vì thế, chỉ khi nhận ra những thiếu sót của mình và không ngừng cố gắng để cải thiện nó thì chúng ta mới mong có ngày bước tới thành công.
Danh thần thời nhà Thanh – Trần Hoằng Mưu đã nhắc tới “8 thiếu sót” của con người như sau:
“Tài bất túc tắc đa mưu, thức bất túc tắc đa lự.
Uy bất túc tắc đa nộ, tín bất túc tắc đa ngôn.
Dũng bất túc tắc đa lao, minh bất túc tắc đa sát.
Lý bất túc tắc đa biện, tình bất túc tắc đa nghi.”
1. Tài bất túc tắc đa mưu (Tài không đủ mới đa mưu)
Người thiếu hiểu biết mới tin rằng khôn ngoan nghĩa là mưu mẹo, lừa gạt người đời. Sự thật là sự chân thành mới khiến người khác cảm thấy rung động và thông cảm, mang lại cho họ lợi lộc.
Cuộc sống cứ mãi yên bình thì chẳng bàn tới làm gì nhưng chúng ta vẫn thường phải đối mặt với những tình huống bất ngờ và đó mới là lúc chúng ta thể hiện rõ mình là ai. Nếu không đủ tài lực ta thường bối rối, hoảng loạn, không biết nên làm gì, dễ có những quyết định nông nổi, sai lầm.
Nhưng nếu đủ bản lĩnh thì chuyện gì bạn cũng xử trí được vì bản thân các tình huống tương tự tiền nhân của chúng ta vốn cũng đã gặp rồi. Kiến thức vốn sẵn có, thậm chí bạn chẳng cần sáng tạo gì chỉ cần học tập và làm theo là đủ thế nhưng ta chẳng thích đọc sách, chẳng thích tìm hiểu những người đi trước đã xử trí như thế nào nên ta cứ mãi ngu ngơ và luẩn quẩn.
Bí quyết thành công đã được nhiều người giàu nhất chia sẻ đó là thói quen đọc sách hàng ngày. Warren Buffett đã đọc 600-1000 trang sách mỗi ngày, luôn giữ thói quen dành hơn 80% thời gian đọc sách. Elon Musk đã học cách phát minh ra tên lửa chỉ thông qua việc đọc. Bill Gates đọc hơn 50 đầu sách mỗi năm…
Chỉ khi đọc nhiều sách, được “trò chuyện” với nhiều người nhất có thể qua từng góc nhìn của tác giả ta mới có thể bồi đắp được trí lực, gặp việc mới có thể ứng phó.
2. Thức bất túc tắc đa lự (Nhận thức không đủ thì lo nghĩ nhiều)
Nghĩ ngợi nhiều chỉ khiến ta hao tâm tổn trí mà việc thì vẫn còn nguyên đó. Thế nhưng nếu đủ kiến thức, đủ tầm nhìn thì chúng ta sẽ biết rằng tương lai chẳng qua chỉ là sự kéo dài của hiện tại, vì thế thay vì nghĩ nhiều thì sống trọn vẹn cho hiện tại, lúc đó chúng ta chỉ mải làm việc và hành động mà quên luôn cả việc lo lắng lúc nào không hay.
Thường những nỗi lo là do chính chúng ta tạo ra chứ bên ngoài sự việc, sự vật không hoàn toàn như chúng ta vẫn nghĩ.
Tính Không trong Bát Nhã Tâm Kinh đã từng nói đến một sự việc là trung tính, chỉ là góc nhìn của chúng ta mà nó thành tốt hay xấu. Vì thế chỉ là do kiến thức của chúng ta không đủ nên nhìn nhận sự việc sai lệch, nhiều thiếu sót.
Muốn thay đổi cách nhìn hoặc để nhìn một việc với nhiều mặt thì bạn tự học hỏi để làm phong phú kiến thức của mình, học hỏi từ bạn bè, người thân, đồng nghiệp,… Hãy cố gắng học hỏi càng nhiều càng tốt!
3. Uy bất túc tắc đa nộ (Uy không đủ mới hay tức giận)
Ai cũng có nhu cầu được nể trọng vì thế chúng ta có xu hướng nổi giận khi ai đó không thừa nhận những gì mình nói, mình làm. Thực ra càng tức giận càng không thể tăng uy lực của mình trong mắt người khác. Chúng ta quên mất rằng lối sống đạo sức, biết người biết ta mới khiến mọi người nể phục từ thẳm sâu trong lòng họ.
Người không có thực lực dễ dàng nổi nóng, ngọn lửa giận dữ còn thiêu đốt nội tâm họ, khi làm tổn thương người khác, họ cũng làm đau chính mình. Nếu con người thực sự có thực lực, thì sự tức giận cũng không còn cần thiết nữa.
4. Tín bất túc tắc đa ngôn (Tín không đủ mới nhiều lời)
Người càng tĩnh lặng, càng điềm tĩnh trong mọi tình huống cuộc sống là vì họ học rộng biết nhiều, hiểu rằng kiến thức của mình là muối bỏ bể nên lắng nghe để hiểu được nhiều hơn. Người xưa nói “thùng rỗng kêu to” chưa bao giờ là sai, nếu ai đó nói càng nhiều, lời nói của họ càng mất trọng lượng, người ta nghe càng cảm thấy nhàm tai.
Cứ tưởng nói nhiều để lấy uy tín, sự tin tưởng của người khác nhưng càng nói càng sai, càng khó được trọng dụng, nể trọng. Xem thêm: Muốn giàu có nhất định phải học 6 cách suy nghĩ sau
5. Dũng bất túc tắc đa lao (Dũng không đủ mới nhọc thân)
Người xưa có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, chính là lời răn dạy chúng ta phải tĩnh tâm xuống, dốc tinh sức vào một việc mà thôi. Đương nhiên điều này rất khó thực hiện. Nhưng người càng ưu tú thường sẽ có dũng khí để chinh phục những việc khó khăn.
Bí quyết thành công của những người giàu có đó là họ luôn dốc tâm sức để làm tốt việc đúng sở trường, họ dũng cảm, kiên quyết với mục tiêu của bản thân, trong khi đó người bình thường hay lo nghĩ, phân tán sức lực cho quá nhiều việc nhưng kết quả chẳng việc nào làm tốt cho dù bản thân cũng chăm chỉ, vất vả nhưng không đúng chỗ.
6. Minh bất túc tắc đa sát (Minh không đủ mới hay quan sát)
Không phải lúc nào chúng ta cũng đủ tinh thông vì thế cần quan sát chi tiết để từ đó nhận ra những điều lớn lao hơn. Ví dụ như những chi tiết như nhớ tên, nhớ thói quen nếu không quan sát, không để tâm thì chúng ta không thể nhớ được.
Dẫu tức giận tới mức nào, thì cũng không được nói những lời làm tổn thương tới lòng tự tôn của người khác. Với những người càng thân thiết, ngược lại càng cần tìm hiểu sở trường, sở đoản của đối phương, nhưng đừng vì quá quen thân mà làm tổn thương tới người khác.
Nhìn thấu nhưng không được phá vỡ, hãy chừa lại đường lui cho người khác. Dẫu phát hiện đối phương lỡ lời hoặc nói dối cũng đừng vạch mặt họ ngay lúc đó.
7. Lý bất túc tắc đa biện (Lý không đủ mới tranh biện nhiều)
Khi hiểu những gì mình đang làm thì cũng không phải tranh luận thêm với bất cứ ai, nói nhiều làm gì, cứ để thời gian sẽ chứng minh cho tất cả. Bí quyết thành công đó là tập trung vào việc của mình thay vì tranh cãi, vì nói nhiều cũng chẳng ích gì chỉ như thùng rỗng kêu to mà thôi.
Nhưng có người lại chọn tài cao ẩn mình, không để vầng hào quang của mình toả sáng. Khi học thức và năng lực của bản thân không tới thì con người chẳng thể dễ dàng truy cầu danh lợi. Chỉ khi âm thầm tích luỹ tri thức để trí huệ ngày một thâm hậu, thì thành công mới tới.
8. Tình bất túc tắc đa nghi (Tình không đủ mới lắm lễ nghi)
Những người thân thuộc thì xuề xòa, vô tư nhưng những mối quan hệ không đủ thân tình thì phải đối đãi với nhau bằng lễ nghi. Hai người có tình cảm sâu sắc thì có thể đối đãi chân thành với nhau và bớt đi những phép tắc.
Lễ tiết không phải là những quy tắc rườm rà nhằm a dua nịnh hót lẫn nhau, mà là thể hiện sự tôn trọng và tôn kính với người khác. Nếu đã hiểu đối phương sẽ chẳng để tâm tới lễ tiết, hoặc coi nó là sự phiền phức màu mè, hoặc họ sẽ chỉ làm trái với lòng mình để lấy lòng người khác, và coi đó là đường tắt để thăng quan tiến chức.