Từ chuyện con bạo hành mẹ 88 tuổi: Bạn chọn cuộc sống nào khi về già?
Theo lời Phật dạy về lòng hiếu thảo thì việc phụng dưỡng cha mẹ cũng là cách làm tròn chữ hiếu còn ai đi ngược lại với nó đều đáng lên án. Vì thế, việc người con ngược đãi mẹ đúng là việc không thể tha thứ và cũng đã được pháp luật can thiệp nhưng thử hỏi ta đã chuẩn bị gì cho tuổi già của mình để tránh lặp lại những sự việc như trên?
Ta dễ dàng lên án ai đó làm sai nhưng thử hỏi bạn đã bao nhiều lần cáu giận với mẹ chỉ vì sự vô ý hay nghễnh ngãng tuổi già của họ? Tự hỏi bạn chọn cuộc sống nào khi về già không phải là câu hỏi quá sớm vì nó giúp cho bạn những bước chuẩn bị thật tốt cho tương lai của chính mình.
Đối mặt với sự thật là dân số đang già đi
Ngày xưa chúng ta xem 60 tuổi là thọ nhưng ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự trợ giúp của y học hiện đại nên tuổi thọ của chúng ta được kéo dài hơn bao giờ hết, số người sống đến 90 và 100 tuổi ngày càng nhiều.
Thế nhưng, dường như xã hội chưa sẵn sàng cho sự già hóa dân số, từ đó xảy ra những vấn đề đáng tiếc tương tự như trên khi mẹ già cần người trông nom nhưng con cái cũng chẳn hoàn toàn dư dả để có thể hoàn toàn dành thời gian chăm sóc cho cha mẹ.
Vì thế, dù có tiền thuê người thăm mẹ, bố ở tuổi 80, 90 thì người cao tuổi có thể cảm thấy cô đơn, bất lực, vô dụng dù ở với con cái, người giúp việc hay trong viện dưỡng lão.
Tâm lý tuổi già được con phụng dưỡng
Quan niệm sinh con, đẻ con và thậm chí bố mẹ tiêm nhiễm suy nghĩ cho các con và ép chúng với “nhiệm vụ” để có chỗ nương tựa lúc về già rất phổ biến. Thế nhưng, giờ đây, điều này khá khó thực hiện trong nhiều trường hợp cụ thể khác nhau.
Thậm chí lối sống, quan niệm nuôi dạy trẻ con khác nhau cũng là nguyên nhân các căng thẳng giữa mẹ chồng – nàng dâu, và đó chỉ mới là điểm nhỏ trong chuỗi vô vàn vấn đề khi có quá nhiều thế hệ cùng sống chung một nhà.
Đó là chưa kể khi người ta càng cao tuổi càng khó tính, hay bị lẫn, các thông tin ghi nhớ không còn xác thực và không còn nhanh nhẹn được như xưa cũng là nhân tố gây cản trở cho cuộc sống gia đình.
Ngày nay nhiều người lớn tuổi có tư duy khá hiện đại khi chọn cách tiết kiệm tốt nhất để đảm bảo cho tuổi già an nhàn, thậm chí có người chuẩn bị tiền cho mình để sống trong trại dưỡng lão vì ở đó có những người bạn để có thể trò chuyện.
Thế nhưng, mặt trái của nó đó là đến thời điểm họ quá lớn tuổi, không tự tìm niềm vui cho mình như trước, trong khi con cái thì bận rộn việc kiếm tiền nuôi sống gia đình thì họ chỉ có một tha thiết là lâu lâu lại được nhìn, thậm chí là nghe tiếng con cái thôi cũng là việc khó khăn.
Tuổi thọ trở thành gánh nặng
Việc tự hỏi bạn chọn cuộc sống nào khi về già là điều bạn nên tự vấn bản thân mình mỗi ngày khi mà tương lai sẽ là “thế hệ sandwich” – thế hệ vừa phải chăm sóc bố mẹ lẫn con cái cùng một lúc.
Ở Việt Nam, tính riêng trong năm 2017, số người trên 60 tuổi chiếm tới hơn 10%, ước tính trong 15 – 20 năm nữa, dân số già của nước ta sẽ chiếm 1/3 tổng dân số, tương đương với 19 triệu người vào năm 2030 và 28 triệu người vào năm 2050. Từ thực tế này, Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách những nước có tốc độ lão hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.
Trước đây con người luôn tìm cách để có thể sống bất tử, thế nhưng, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng được trường thọ mà phải sống chung với đau ốm và mệt mỏi, thì cuộc sống chẳng còn nghĩa lý gì.